Sự sụp đổ của Virgin Australia cho thấy các hãng hàng không yếu nhất trên thế giới không còn nhiều thời gian để tự cứu mình trước khi phá sản vì dịch Covid-19.
“Chúng ta nên quen với những tin tức kiểu này. Sẽ có thêm nhiều hãng hàng không phá sản”, Bloomberg dẫn lời chuyên gia hàng không Volodymyr Bilotkach thuộc Viện Công nghệ Singapore bình luận.
Giới quan sát nhận định vụ sụp đổ chóng vánh của Virgin Australia cho thấy ngành hàng không không nói quá sự thật về những nguy cơ trước mắt. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), đại diện cho gần 300 hãng hàng không, dự báo 50% hãng bay trên thế giới sẽ phá sản trong 2-3 tháng nữa nếu chính phủ các nước không can thiệp.
Nhiều hãng bay đã cho nhân viên nghỉ việc không lương và “đắp chiếu” toàn bộ máy bay. IATA ảnh báo rằng 25 triệu người làm trong ngành hàng không và các ngành liên quan có nguy cơ mất việc.
Virgin Australia là hãng hàng không đầu tiên ở châu Á sụp đổ vì dịch Covid-19. Ảnh: Getty. |
Trước đó,Virgin Australia từng đề nghị chính phủ Australia cho vay 884 triệu USD để sống sót qua khủng hoảng, nhưng bị từ chối. Một số lời cầu cứu khác cũng nhận phản ứng tương tự. Ngoài Virgin Australia, nhiều hãng bay khác cũng đang lao đao và cầu xin sự hỗ trợ của chính phủ.
Virgin Atlantic Airways – một hãng bay khác của tỷ phú Branson – xin chính phủ Anh giải cứu nhưng bị phớt lờ. Ngày 20/4, doanh nhân Branson khẳng định Virgin Atlantic Airways sẽ không thể sống sót nếu không được chính phủ Anh cứu trợ.
Hãng hàng không giá rẻ của Na Uy Air Shuttle đã dừng hoạt động toàn bộ máy bay và nộp đơn xin bảo hộ phá sản 4 đơn vị phi công và phi hành đoàn ở Đan Mạch và Thụy Điển vì không đủ khả năng trả lương cho họ.
South African Airways của Nam Phi lên kế hoạch sa thải toàn bộ nhân viên sau khi không thuyết phục được chính phủ hỗ trợ thêm. Trước khi dịch Covid-19 bùng nổ, hãng bay 86 năm tuổi đã cắt giảm nhiều đường bay và sa thải nhân viên.
Các hãng hàng không cho nhân viên nghỉ việc tạm thời không lương và “đắp chiếu” máy bay. Ảnh: Getty. |
Theo IATA, các hãng hàng không toàn cầu có thể thiệt hại tới 314 tỷ USD tiền bán vé trong năm 2020 do các lệnh giãn cách xã hội và phong tỏa của các nước.
Đầu tháng 3, Trung tâm Hàng không CAPA có trụ sở tại Sydney (Australia) cảnh báo nhiều hãng hàng không sẽ phá sản vào cuối tháng 5 nếu chính phủ các nước không tìm cách can thiệp.
Theo ông Martin Gauss, CEO Air Baltic Corp, kể cả nhận được sự giúp đỡ của chính phủ các nước thì đa số hãng hàng không yếu ớt cũng chỉ có thể cầm cự thêm một thời gian nữa.
Đối với các hãng hàng không yếu kém nhất được chính phủ cứu trợ, thử thách sinh tồn sẽ đến khi nối lại các chuyến bay. “Nhu cầu yếu ớt do suy thoái kinh tế và việc hành khách sợ nhiễm virus khi bay sẽ dẫn tới làn sóng phá sản tiếp theo”, ông Gauss dự báo.
Thanh Hoa (https://zingnews.vn/virgin-australia-sup-do-nhieu-hang-hang-khong-cung-se-pha-san-post1076050.html)