Các Chính phủ đồng tình rằng những khoản chi tiêu này là cần thiết để hỗ trợ các nền kinh tế. Tuy nhiên, theo thời gian, những khoản nợ bắt nguồn từ những gói kích thích này có thể khiến khủng hoảng trở nên sâu sắc hơn, thậm chí là một cuộc khủng hoảng kép ở một số quốc gia.
Cuối tháng 3, Economist Intelligence Unit (EIU) cảnh báo rằng: “Cuộc khủng hoảng nợ có thể sắp diễn ra. Hiện tại, các chính phủ đang tăng cường chi tiêu tài khóa để chống dịch bệnh, duy trì những cấu trúc kinh tế cơ bản và giữ cho người lao động có việc làm. Chính vì vậy, thâm hụt tài khóa trong những năm tới sẽ tăng mạnh”.
Ngay từ đầu tháng Giêng, trước khi bất cứ quốc gia nào áp đặt các biện pháp cứu trợ nền kinh tế trước những tác động của Covid-19, Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng nợ toàn cầu mới. WB mô tả làn sóng tích lũy nợ hiện tại, vốn bắt đầu từ năm 2010, sẽ tăng nhanh, mạnh và rộng nhất đối với nợ toàn cầu kể từ những năm 1970.
Theo Viện Tài chính Quốc tế, trong nửa đầu năm 2019, nợ toàn cầu tăng 7,5 nghìn tỷ USD, đạt mức kỷ lục với 250.000 tỷ USD. Nợ không có dấu hiệu chậm lại vào tới hết năm 2019, nợ toàn cầu sẽ vượt quá 255.000 tỷ USD, chủ yếu do Mỹ và Trung Quốc. Dự báo này được đưa ra khi Covid-19 còn chưa bị coi là đại dịch toàn cầu với số nạn nhân chỉ 2 con số.
Hiện tại, các dự án của Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) nói rằng kinh tế toàn cầu trong năm nay rất có khả năng phải đối mặt với cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ Đại Suy Thoái những năm 1930. Việc các chính phủ trên thế giới áp đặt lệnh phong tỏa và đóng cửa hầu hết các nhà máy, dịch vụ kinh doanh để ngăn virus lây lan tác động sâu rộng tới nền kinh tế.
Trong báo cáo mới nhất, IMF nói rằng GDP toàn cầu sẽ giảm 3% trong năm 2020, ngược với suy đoán tăng trưởng 3,3% được chính tổ chức này đưa ra vào tháng 1/2020. Nhấn mạnh sự nghiêm trọng của vấn đề, bà Kristalina Georgieva, giám đốc IMF, nói rằng: “Hiện tại, một nửa thế giới đã yêu cầu IMF đưa ra các gói cứu trợ”.
Trong khi đó, những áp lực chưa từng có về mọi mặt cũng như sự không chắc chắn về thời điểm thế giới có thể ngăn chặn dịch bệnh khiến những lựa chọn của các quốc gia ngày càng nghèo nàn. Chính sách thắt lưng buộc bụng, vốn được sử dụng trong quá khứ để giảm thâm hụt ngân sách, dường như sẽ chẳng có tác dụng gì trong bối cảnh lần này.
Hiện tại, không có biện pháp nào có thể ngăn khủng hoảng nợ của các quốc gia, điều được coi là cú đánh thứ 2 với mức độ nghiêm trọng hơn với các nền kinh tế. Khủng hoảng Covid-19 có thể khiến các nước gắng gượng nhưng khủng hoảng nợ sẽ là đòn đánh hạ gục.
Theo Nhịp sống kinh tế (http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/cac-nen-kinh-te-co-nguy-co-roi-vao-khung-hoang-no-sau-nhung-goi-kich-thich-khung-mot-cuoc-khung-hoang-kep-sap-xay-ra-42020174151225915.htm)