Các chuyên gia dự báo nền kinh tế thế giới sẽ rơi vào thời kỳ tồi tệ nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 vì dịch virus corona chủng mới (Covid-19).
Theo Bloomberg, vài tuần trước nhiều nhà kinh tế Trung Quốc và quốc tế còn lạc quan nhận định nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ phục hồi mạnh mẽ sau khi dịch Covid-19 bị kiềm chế.
Tuy nhiên, sự lạc quan đang dần tan biến khi hàng trăm nghìn nhà máy ở Trung Quốc vẫn im lìm, hàng chục triệu công nhân nước này chôn chân tại nhà, các chuỗi cung ứng bị cắt đứt, du lịch và thương lại tê liệt. Tình hình càng nghiêm trọng hơn khi dịch Covid-19 lan tới châu Âu và Mỹ.
Ngày 27/2, nhóm chuyên gia thuộc Bank of America Corp dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm nay sẽ chỉ đạt 2,8%, mức yếu nhất kể từ năm 2009. Họ cho biết nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng chậm nhất trong vòng 4 năm qua.
Hàng loạt nhà máy ở Trung Quốc vẫn đang trong tình trạng tê liệt vì dịch virus corona chủng mới. Ảnh: Getty Images. |
“Nguy cơ kinh tế trượt dốc là rất lớn”, nhà kinh tế Ethan Harris của Bank of America cho biết. “Dự báo của chúng tôi còn chưa tính đến khả năng dịch Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu, làm tê liệt mọi hoạt động kinh tế ở các thành phố lớn”.
Bức tranh Bank of America đưa ra ảm đạm hơn nhiều so với những gì Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố cuối tuần trước. Khi đó, IMF lạc quan nhận định tăng trưởng GDP toàn cầu chỉ giảm 0,1% vì dịch virus corona chủng mới và sẽ chạm mốc 3,3% trong năm nay.
Tuy nhiên, nguồn tin Bloomberg cho biết IMF đang đánh giá lại tác động của dịch bệnh và sẽ công bố trong các cuộc họp vào giữa tháng 4 tới.
“Công xưởng thế giới” Trung Quốc vẫn đang lao đao vì dịch Covid-19. Bloomberg Economics ước tính nền kinh tế Trung Quốc mới chỉ vận hàng ở mức 60-70% trong tuần này, tăng so với mức 50-60% của tuần trước.
Năm 2007, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính một dịch cúm quy mô nhẹ có thể lấy đi 0,7% GDP toàn cầu. Ngược lại, đại dịch nghiêm trọng sẽ làm bay hơi 4,8% GDP toàn cầu.
“Nếu tính theo giá đồng USD năm 2020, tổn thất sẽ dao động từ 630 tỷ USD cho đến 4.300 tỷ USD. Nói cách khác, đó là sự khác biệt giữa sự tổn thất gây đau đớn nhưng vẫn chịu đựng được với một cuộc suy thoái toàn cầu”, nhà kinh tế Tom Orlik của Bloomberg Economics cho biết.
https://news.zing.vn/nen-kinh-te-toan-cau-truot-doc-toi-te-nhat-ke-tu-nam-2009-vi-covid-19-post1052821.html