Tại Hội thảo diễn ra mới đây, chuyên gia kinh tế – TS Bùi Quang Tín, CEO trường Doanh nhân BizLight đã có những chia sẻ về những tác động từ vốn ngân hàng, FDI và thị trường chứng khoán đến thị trường BĐS năm 2019.
Van tín dụng vào BĐS sẽ hẹp hơn
Theo ông Tín, quy định về vốn vay ngắn hạn cho vay trung hạn giảm từ 45% xuống còn 40% vào ngày 1/1/2019, đồng thời tăng hệ số rủi ro với các khoản vay BĐS từ mức 150% lên 200%.
Ngoài ra, thông tin từ phía ngân hàng, tỉ lệ an toàn vốn (CAR) giảm xuống 8% sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Chỉ số CAR có bổ sung phần tổng tài sản có rủi ro được quy định chặt chẽ và khắt khe hơn, tức là bổ sung thêm rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động. Bên cạnh đấy, luật các tài chính tín dụng 2010 sửa đổi, bổ sung đã có hiệu lực từ 1/1/2018 quy định chặt chẽ hơn về quản trị rủi ro và quản trị hoạt động cho vay.
“Điều này sẽ khiến van tín dụng vào BĐS sẽ hẹp hơn”, ông Tín khẳng định.
Ngược với chính sách từ ngân hàng tác động hạn chế đến BĐS thì chính sách từ thị trường chứng khoán lại mang lại những dấu hiệu khả quan. Ông chỉ ra những tác động từ thị trường chứng khoán đến thị trường BĐS.
Cụ thể, thị trường chứng khoán vừa được một tổ chức cung cấp chỉ số uy tín toàn cầu chính thức đưa vào danh sách xem xét để nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi hạng hai.
Điều này góp phần thay đổi vị thế của thị trường tài chính Việt Nam đối với công chúng, nhà đầu tư, hứa hẹn sẽ tác động tích cực lên khả năng hút dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng như cải thiện thanh khoản của thị trường.
Ngoài ra, các yếu tố vĩ mô năm 2019 mà Quốc hội đã thông qua khá thuận lợi. Cụ thể, mức tăng GDP 6,6-6,8%, CPI khoảng 4%…sẽ hỗ trợ tốt cho thị trường chứng khoán tăng điểm nhiều hơn là rủi ro.
Nguồn vốn FDI vào BĐS tiếp tục chiều hướng gia tăng
Theo ông Tín, nguồn vốn FDI cam kết vào lĩnh vực BĐS tiếp tục có chiều hướng tăng cao trong thời gian tới và khá đa dạng từ phát triển nhà ở đến sản xuất công nghiệp, bán lẻ, văn phòng và dịch vụ.
Đặc biệt, thị trường xuất hiện xu hướng mở rộng dòng vốn FDI vào các phân khúc nhà ở trung cấp và bình dân. Ông Tín dẫn chứng những thương vụ giao dịch được công bố trong 3 năm gần đây như: NĐT Nhật Bản Hankyu Realty và Nishi Nippon Raiload hợp tác cùng Nam Long hoặc Sanyo Homes và Tiến Phát, gần đây nhất là liên doanh giữa Mitsubishi và Phúc Khang…
Đáng nói, phân khúc đầu tư của các liên doanh đa dạng nhắm đến phân khúc căn hộ trung cấp và bình dân. Theo xu hướng này có rất nhiều NĐT đang cân nhắc và sẵn sàng tham gia liên doanh, góp vốn với các chủ đầu tư Việt Nam có uy tín tốt.
Ông Tín cho rằng, lợi thế của các chủ đầu tư trong nước là sự thông hiểu về thông tin thị trường, hệ thống hành lang pháp lý, danh mục các BĐS đã được xác lập, trong khi các NĐT nước ngoài có tiềm lực về vốn và kinh nghiệm phát triển dự án sẽ làm gia tăng giá trị dự án.
Theo (Hạ Vy – Cafe F)