Nhiều ý kiến cho rằng, năm 2018 Hà Nội sẽ tiếp tục là “đại công trình” của các dự án nhà ở, khu chung cư cao tầng khi mà mới đây HĐND TP đã có Nghị quyết về việc thu hồi đất của trên 1.400 công trình, dự án với hàng nghìn ha. Hàng loạt dự án chung cư cao tầng từ nội đến ngoại thành tiếp tục được cấp phép, khởi công và mở bán.
“Đại công trình” dự án nhà ở, chung cư
Theo kế hoạch trong năm 2018, Hà Nội sẽ thu hồi đất của trên 1.400 công trình, dự án với diện tích 4.654,27ha. Trong số này, nhiều dự án thu hồi đất để triển khai các dự án đô thị mới, khu nhà ở, các dự án hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn.
Cụ thể, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc mới đây ban hành Nghị quyết số 19/NQ-HĐND thông qua danh mục các công trình, dự án thu hồi đất năm 2018; danh mục dự án chuyển mục đích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trên địa bàn thành phố năm 2018.
Theo đó, thông qua danh mục 1.415 công trình, dự án thu hồi đất với diện tích 4.654,27ha. Kinh phí bố trí để bồi thường, giải phóng mặt bằng: Trên cơ sở danh mục dự án đã được HĐND TP thông qua tại Nghị quyết này, các dự án sử dụng vốn ngân sách thành phố đã có trong kế hoạch đầu tư công của thành phố được cân đối kinh phí trong Nghị quyết HĐND TP về phân bổ dự toán ngân sách năm 2018.
Đồng thời, HĐND TP thông qua danh mục 407 công trình, dự án chuyển mục đích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng với diện tích 644,67ha. Được biết, Nghị quyết này đã được HĐND TP Hà Nội kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 5/12/2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/12/2018.
Trong danh sách trên 1.400 công trình, dự án với diện tích 4.654,27ha thu hồi đất trong năm 2018, có nhiều dự án nhà ở, khu đô thị mới chuyển đổi mục đích sử dụng đất như: Dự án nhà ở xã hội Ecohome3 tại Bắc Từ Liêm với 5,8 ha của Cty CPĐT và TM Thủ đô; Khu nhà ở xã hội tại phường Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm) gần 23 ha của Cty CP đầu tư TNG Holdings Việt Nam; Tòa nhà hỗn hợp Constrexim với diện tích 2,55ha của Tổng Cty CPĐT Xây dựng và Thương mại Vn tại phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy); Khu đô thị Thành phố Giao Lưu gần 11ha tại phường Mai Dịch (Cầu Giấy) của Cty CP đầu tư và xây dựng quốc tế Vigeba….
Tiếp tục cuộc “chạy đua” về chiều cao, mật độ
Báo cáo của đơn vị nghiên cứu, tư vấn CBRE mới đây về thị trường BĐS cho thấy, chỉ trong quý IV năm 2017, Hà Nội ghi nhận 9.500 căn hộ chào bán mới, nâng tổng số căn mở bán mới lên 35.000 căn hộ. Đây cũng là mức mở bán mới cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Lượng căn hộ chung cư mở bán trong năm 2018 của Hà Nội tiếp tục lập kỷ lục khi mà hàng loạt dự án chung cư cao tầng từ nội đến ngoại thành tiếp tục được cấp phép, khởi công và mở bán. Điều mà các chuyên gia quy hoạch lo ngại về tình trạng quá tải hạ tầng, gia tăng dân số hiện nay, khi hàng loạt cao ốc cao chọc trời đang ‘đua nhau’ xây dựng từ nội thành đến ngoại thành; dọc hai bên các tuyến đường đường Vành đai.
“Hàng loạt nhà cao tầng, khu chung cư bám dọc các tuyến Vành đai trong đó có Vành đai 3,(đoạn đường Khuất Duy Tiến – Nguyễn Xiển), khi Hà Nội vừa phê duyệt thiết kế đô thị dọc hai bên tuyến đường với việc cho xây công trình cao tối đa 50 tầng để tạo điểm nhấn sẽ tạo nhiều áp lực cho hạ tầng giao thông tiếp tục gánh chịu”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia quy hoạch, điều đáng lo ngại, Đồ án thiết kế đô thị hai bên đường Vành đai 3 (tỷ lệ 1/500), được UBND TP Hà Nội ban hành cho phép mặt đường Vành đai 3 không xây nhà liền kề nhưng ở các nút được thiết kế với đặc trưng không gian phát triển theo cụm công trình cao tầng, trong đó công trình điểm nhấn cao 45-50 tầng.
Cụ thể, đối với nút Trung Hòa (giao giữa đường Khuất Duy Tiến và Trần Duy Hưng), đặc trưng không gian là phát triển theo cụm công trình cao tầng tương phản và xen cài với các không gian mở xung quanh. Điểm nhấn là tổ hợp cụm công trình cao tầng phía Đông Nam đường Trần Duy Hưng và Đại lộ Thăng Long (40-50 tầng), tương phản với các không gian mở được tạo ra bởi khu vực Trung Tâm hội nghị Quốc gia và xung quanh.
Đối với nút Thanh Xuân được thiết kế với đặc trưng không gian phát triển theo cụm công trình cao tầng, trong đó công trình điểm nhấn cao 45-50 tầng nằm tại phía Đông Bắc nút giao và tháp đôi tại cụm công trình nút giao khu vực Đông Nam, các công trình còn lại cao 26-30 tầng. Đoạn tuyến Nguyễn Xiển được đặc trưng bởi các công trình phát triển theo tuyến và diện; các công trình cao tầng có tầng cao trung bình từ 25-30 tầng…
“Tôi đồng ý là tận dụng tối đa nguồn lực bất động sản ở Hà Nội, nhưng chúng ta đã không tận dụng trong rất nhiều năm để lãng phí…. Nhưng đến giờ chúng ta phải trả giá vì đã làm quy hoạch băm nát Hà Nội. Trong năm vừa qua, tôi họp với Sở Quy hoạch có những khu đất 5 – 7ha các anh cũng băm ra cho 2 – 3 chủ đầu tư. Tôi không hiểu đằng sau có gì người ta xin nhau hay không, nhưng tóm lại làm quy hoạch theo kiểu đấy thì không bao giờ tốt được”, trích lời của lãnh đạo UBND TP Hà Nội phát biểu tại Hội nghị tổng kết và triển khai công tác của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội.
Hải Đăng (Theo Tiền Phong)