Không chỉ giấy phép con, sau khi gộp lại còn “đẻ” thêm những giấy phép “cháu, chắt” bên trong những giấy phép con này. Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh – Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nhận xét như trên tại hội thảo “Nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh: Cải cách điều kiện kinh doanh, quản lý chuyên ngành và thủ tục hành chính thức pháp” do CIEM phối hợp USAID (Mỹ) tổ chức tại TP.HCM hôm qua (19.4).
Quyền lớn, phí lót tay cho hải quan nhiều
Mục tiêu của Chính phủ là cắt giảm từ 1/3 – 1/2 điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành. Hiện các bộ đã rà soát lại các điều kiện kinh doanh thừa để cắt giảm. Tuy nhiên theo bà Thảo: “Một số bộ đang tính gộp số điều kiện kinh doanh được cắt bỏ và sửa đổi vào trong một rổ, nhiều khi chỉ viết lại một câu trong quy định cho gọn, rõ nghĩa là tính một điều kiện được sửa đổi. Nói là bãi bỏ nhưng thật ra chuyển sang phương thức thực hiện khác”. Một số bộ lại “đẻ” thêm các quy định làm khó doanh nghiệp (DN).
Báo cáo của CIEM cũng cho thấy, chi phí phi chính thức mà DN đang “gánh gồng” vẫn hết sức nặng nề. Đơn cử trong lĩnh vực hải quan, khảo sát 10 DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, cả 10 DN đều cho biết không có thủ tục nào tại hải quan mà không có chi phí phi chính thức. Mở 1 tờ khai chi 100.000 đồng, trung bình 1 năm mở 100.000 tờ khai, DN mất đến 10 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ TP.HCM, cũng cho rằng chúng ta đang trao cho hải quan quyền quá lớn, quyền quyết định DN đó có bị kiểm tra chuyên ngành hay không. Ông Tuệ kể: Một DN làm hàng xuất khẩu mỹ nghệ nhập hơn 10 tấn vỏ ốc, sò để sản xuất. Có nhân viên hải quan gợi ý nếu đóng 30 triệu đồng thì khỏi chuyển kiểm tra liên ngành. DN không chịu chi, hàng chuyển để kiểm tra chuyên ngành, thời gian kéo dài, cuối cùng tiền lưu kho 10 tấn vỏ ốc cao gấp mấy lần số tiền nếu DN chịu chi từ đầu.
Bệnh “nghiện” quản lý
Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM, phân tích các nước đã cải cách rất quyết liệt trong một thời hạn xác định, đạt được mục tiêu đề ra. Chẳng hạn, đến năm nay, Singapore chính thức bỏ quy định con dấu. Còn VN đã qua bốn Nghị quyết 19 (về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia) từ năm 2014 – 2017, chuẩn bị có Nghị quyết 19 năm 2018 song mọi thứ vẫn còn quá ngổn ngang, chưa thể kết thúc nghị quyết cũ để bắt đầu một cái mới. Ông Hiếu cũng thông tin vấn đề cải cách điều kiện kinh doanh đã được thảo luận 20 năm qua và ưu tiên trong 10 năm tới cũng quyết liệt với vấn đề này. Như vậy, chúng ta mất 30 năm cải cách lĩnh vực này.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng thương mại – Công nghiệp VN, cho rằng có một thực tế là bệnh nghiện quản lý của các bộ ngành. “Quản lý là công cụ chứ không phải mục tiêu. Nếu quản lý không đúng, nguy cơ tạo nền kinh tế ngầm. Khi giấy phép nhiều, tưởng như là nhà kinh doanh được bảo vệ, thực ra hàng rào càng cao, mức độ tuân thủ càng thấp”. Từ đó, ông Tuấn kiến nghị công tác giám sát tránh việc phát sinh giấy phép mới là cấp thiết cũng như việc tăng cường rà soát, phản biện các cơ quan độc lập để tiến đến có sự cải cách mạnh mẽ thực chất và quyết liệt hơn.
Nguyên Nga (Theo Thanh Nien online)