Đầu tư BĐS quý 2: Đâu là phân khúc nhà đầu tư có thể “hái ra tiền”?

Trong khi phân khúc chung cư, biệt thự, nhà phố ổn định thì BĐS đặc khu và đất nền các tỉnh vùng ven đang là điểm nóng trên thị trường bất động sản.

Đánh giá về thị trường BĐS quý 2/2018, ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết nhìn chung, tình hình thị trường BĐS cả nước đều có dấu hiệu ổn định và giao dịch tốt ở mọi loại hình và các phân khúc nhà ở. Số lượng giao dịch đều cao hơn so với cùng kỳ năm 2017.

Cụ thể, ở phân khúc chung cư quý 1 dự báo sẽ tăng cao hơn quý I về lượng giao dịch. Cụ thể, tại Hà Nội dự kiến trong quý II-2018, các chủ đầu tư tiếp tục triển khai, ra mắt các dự án thuộc phân khúc thấp và trung cấp. Các giao dịch mới vẫn tập trung tại các quận Từ Liêm, Thanh Xuân, Hà Đông do quỹ đất nhiều, nguồn cung lớn, các dự án có giá bán hợp lý, phù hợp với thu nhập người dân.


Còn tại TPHCM, riêng trong quý II/2018 sẽ có khoảng 10.000 căn hộ chào bán chính thức. Trong đó, khu Đông và khu Nam thành phố chiếm tỷ trọng lớn về nguồn cung; phân khúc căn hộ bình dân và trung cấp sẽ vẫn là chủ đạo trong thị trường. Nguồn cung nhà phố, biệt thự có dấu hiệu suy giảm nguồn.

“Các loại hình nhà ở, sản phẩm căn hộ chung cư, do có sự cố cháy tại chung cư Carina, chắc chắn sẽ gây tâm lý e ngại đối với người mua nhà. Nhưng do nhu cầu lớn về loại hình này và dòng sản phẩm hợp túi tiền và đáp ứng điều kiện sống của đại bộ phận dân cư nên vẫn thu hút sự quan tâm của thị trường. Hơn nữa, động thái vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng gần đây, ý thức về PCCC của các chủ đầu tư tốt hơn. Chắc chắn sẽ tạo tâm lý tin tưởng hơn cho khách hàng lựa chọn căn hộ chung cư”, ông Đính cho biết.

Ở phân khúc nhà ở liền kề, biệt thự, nhà phố, Hà Nội dự kiến trong quý II và quý III/2018 nguồn cung sẽ tăng mạnh do có sự ra mắt của các dự án lớn của các CĐT Vingroup, Sungroup và Vimefulland. Loại hình sản phẩm này chủ yếu xuất hiện tại các khu vực: Hà Đông, Hoài Đức, Long Biên, Gia Lâm… Lượng cung dự kiến trên 2000 sản phẩm.

Còn tại TPHCM một số nhà đầu tư nhà đất liền thổ sẽ đẩy mạnh truyền thông, quảng bá cho phân khúc nhà ở liền thổ khiến cho phân khúc này càng trở nên sôi động hơn mặc dù khả năng đáp ứng nhu cầu ở thực sự của phân khúc này chưa cao do bất tiện đi lại và hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu.

Về phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, ông Đính cho rằng nhìn chung thị trường vẫn tiếp tục ổn định về lượng giao dịch. Tuy nhiên, sẽ xuất hiện sự cạnh tranh mạnh giữa các dự án condotel. Do tốc độ phát triển mới dòng sản phẩm này rất mạnh. Những dự án do các chủ đầu tư năng lực tốt, uy tín và cam kết mang lại lợi nhuận tốt sẽ có lợi thế cạnh tranh cao hơn.

Đánh giá về thị trường BĐS tại các đặc khu kinh tế, chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam cho biết năm 2018 thị trường BĐS tại các khu vực được quy hoành thành đặc khu kinh tế như Phú Quốc, Vân Đồn, Vân Phong sẽ tiếp tục bức phá mạnh mẽ một khu Quốc hội chính thức thông qua trong tháng 10 tới.

Cụ thể, tại Phú Quốc hiện có các thông tin rằng các nhà đầu tư tháo chạy khỏi Phú Quốc do thị trường BĐS ở Phú Quốc suy giảm. Nhưng theo ông Đính đây chỉ là những lời đồn. Chỉ là hệ quả từ độ trễ của quyết định lên đặc khu, làm các nhà đầu tư chững lại một chút dẫn đến việc giao dịch đất nền chững lại. Nhưng niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường BĐS tại Phú Quốc vẫn không hề suy giảm.

Còn tại Vân Phong đã xuất hiện nhiều nhà đầu tư lớn và cá nhân nhà đầu tư Hà Nội, Sài Gòn, Hạ Long và người dân Nha trang đi tham khảo hiện trạng và giao dịch mạnh tại các khu vực đất thuộc Đặc khu kinh tế Vân Phong. Nếu đề xuất thành lập đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong được Quốc hội thông qua thì đây sẽ trở thành vùng kinh tế trọng điểm Trung bộ và là một đầu mối giao lưu quốc tế, trung tâm du lịch quan trọng của Việt Nam.

Đối với đất nền tỉnh lẻ, đặc biệt là các khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương ở phía Bắc…Bình Dương, Long An ở phía Nam đang rất hấp dẫn các nhà đầu tư bởi giá đất tại các khu vực này đang còn rẻ trong khi nhu cầu ngày càng lớn.

“Giá đất nền tại các tỉnh lẻ có tăng nhưng tốc độ tăng trưởng ở mức hợp lý, chưa xảy ra tình trạng sốt nóng. Chính vì vậy,nhà đầu tư cần cảnh giác khi đầu tư tránh tình trạng bị cò đất làm giá”, ông Đính khẳng định.

Lan Nhi (Theo Trí thức trẻ)

Có thể bạn quan tâm

Năng suất lao động doanh nghiệp Việt Nam chỉ bằng 30% Singapore

Dù lao động trong các doanh nghiệp góp phần tạo ra 60% GDP cả nước, …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *