Được biết, đến thời điểm này, Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế vẫn chưa có thông tin chính thức từ phía cơ quan quản lý Nhật Bản cũng như cơ quan quản lý ATTP quốc tế. Dù cơ quan này đã lên tiếng rằng, chất axit benzoic có trong Chin-su ở ngưỡng an toàn, rằng mỗi ngày ăn không quá 2 chai sẽ không gây hại nhưng người tiêu dùng vẫn chưa thực sự yên tâm. Họ băn khoăn là bởi, vì sao một đất nước luôn đặt vấn đề sức khỏe lên hàng đầu và có tuổi thọ cao như Nhật Bản lại cấm axit benzoic trong tương ớt? Cùng là thể trạng người Á Đông, vì sao Nhật kỹ càng với phụ gia đến vậy, còn Việt Nam lại cho phép sử dụng? Nguy cơ với sức khỏe người Việt Nam có phải bị xem nhẹ hay không? Thậm chí nhiều người còn lo lắng nguy cơ ung thư khi nghe thông tin acid benzoic kết hợp với chất khác vào cơ thể sẽ gây ra phản ứng có hại.
Những băn khoăn, lo lắng này hoàn toàn có cơ sở, đặc biệt khi vấn đề ATTP khó kiểm soát như hiện nay. Và liệu các nhà sản xuất khi sử dụng chất phụ gia này có tuân thủ đúng các nguyên tắc được cơ quan có thẩm quyền quy định và kiểm soát chặt chẽ để tránh mối nguy cho sức khỏe người tiêu dùng hay không? Khâu kiểm định chất lượng sản phẩm liệu đã chặt chẽ hay chưa? Trên thực tế, có quá nhiều vụ vi phạm ATTP bị phanh phui, phát hiện khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào hệ thống quản lý.
Riêng câu chuyện chai tương ớt Chin-su bị thu hồi tại Nhật Bản, Bộ Y tế viện dẫn quy định của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) cho phép tương ớt sử dụng axit benzoic với hàm lượng 1.000mg/kg sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, Bộ Y tế cũng nên nghiên cứu lại quy định các phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm. Vì sao nhiều nước cấm sử dụng mà Việt Nam lại cho phép? Đặc biệt cần giải thích rõ trước thông tin từ phía Nhật Bản cho rằng, axit benzoic khi kết hợp với vitamin C sẽ tạo ra chất gây ung thư, trong khi đó, tương ớt lại chứa nhiều vitamin C. Ngoài ra, nếu dùng phụ gia này bảo quản các thực phẩm khác chứa vitamin C thì sao, liệu có nên dùng? Người tiêu dùng vẫn chờ động thái tiếp theo từ phía Bộ Y tế, giải đáp những băn khoăn, thắc mắc để người dân yên tâm sử dụng.
Không chỉ chai tương ớt Chin-su, hiện nay trên thị trường còn nhiều sản phẩm hàng hóa, nước giải khát, thực phẩm… ghi trên bao bì “Dành riêng cho thị trường Việt Nam. Không được xuất khẩu”. Những dòng chữ này khiến cho không ít người tiêu dùng giật mình lo lắng: Phải chăng tiêu chuẩn đối với hàng hóa nội địa tại Việt Nam thấp hơn so với thị trường xuất khẩu khác?
Ở một khía cạnh khác, về phía người tiêu dùng, ngoài việc lo lắng, băn khoăn khi Chin-su chứa chất acid benzoic thì cũng nên tìm hiểu, lựa chọn kỹ về thực phẩm dùng hàng ngày. Và đâu chỉ chai Chin-su nhỏ bé, mà nhiều người vẫn thản nhiên trước sở thích ăn tiết canh, gỏi cá, nem chua, thịt tái… cho dù rất nhiều trường hợp phải nhập viện và tử vong vì nhiễm liên cầu khuẩn cùng hàng trăm, hàng nghìn trường hợp nhiễm sán vì ăn uống mất vệ sinh. Những thói quen ăn uống này còn đáng sợ hơn rất nhiều.
Nhật Uyên ( Theo Kinhtedothi)