Tín dụng đầu ra tăng thấp nhưng lãi suất huy động vẫn không giảm, thậm chí còn tăng ở các kỳ hạn dài. Vậy tiền đang ở đâu?
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 25/3/2019, tín dụng đối với toàn nền kinh tế mới chỉ tăng khoảng 2,28% so với cuối năm 2018.
Mức tăng này thấp hơn nhiều so với mức 3,5% cùng kỳ năm 2018 và 4,3% cùng kỳ năm 2017.
Câu hỏi đặt ra, tăng trưởng tín dụng giảm tốc có phải là dấu hiệu của một nền kinh tế đã ít phụ thuộc hơn vào các nhà băng?
Mặt khác, đầu ra tăng thấp vậy nhưng lãi suất huy động vẫn không giảm, thậm chí còn tăng ở các kỳ hạn dài. Vậy tiền đang ở đâu?
Trao đổi với phóng viên BizLIVE, một chuyên gia trong ngành tài chính cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến tín dụng giảm tốc trong thời gian qua chính là giới hạn chỉ tiêu tăng tín dụng.
Trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến nay, do áp lực vừa phải ổn định kinh tế vĩ mô vừa phải tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước quyết định áp giới hạn chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng, trong đó, chỉ tiêu của từng nhà băng sẽ phụ thuộc vào quy mô cũng như năng lực riêng.
Cùng với đó, chủ trương gia tăng về chất lượng tín dụng thay vì số lượng cũng khiến ngân hàng tiếp tục siết lại nguồn vốn cho vay.
Việc tín dụng bị siết lại sẽ ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận nhà băng khi thu nhập lãi thuần vẫn đang chiếm tới 80% tổng thu nhập tại phần lớn các thành viên.
Do đó, để tăng lợi nhuận mà vẫn không “vượt rào” chỉ tiêu tín dụng Ngân hàng Nhà nước giao, một số nhà băng chuyển qua tập trung vào dịch vụ thu xếp vốn qua môi giới cho trái phiếu doanh nghiệp.
Theo chuyên gia trên, với nghiệp vụ này, ngân hàng thương mại vẫn đóng vai trò là một tổ chức tài chính trung gian, tuy nhiên, dòng tiền lại không chạy qua bảng cân đối kế toán của họ. Điều này có tác động đến hai đầu của bảng cân đối.
Thứ nhất, ở hướng đi này, do người có tiền không còn gửi tiền trực tiếp vào ngân hàng nên ảnh hưởng tới khoản mục tiền gửi khách hàng. Song song với đó, ngân hàng không trực tiếp cho vay nên tín dụng cũng chậm lại. Điều này là một nguyên nhân góp phần lý giải vì sao tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm chỉ đạt 2,28%.
Thứ hai, ở hướng đi trên, doanh nghiệp huy động được vốn qua kênh trái phiếu với ngân hàng trung gian môi giới, họ dùng một phần vốn đó trả nợ những khoản đã vay ngân hàng và khiến tín dụng một phần giảm đi.
Cũng theo vị chuyên gia này, một nguyên nhân không kém quan trọng khác khiến tín dụng tăng chậm trong thời gian qua chính là sự bùng nổ của hoạt động cho vay ngang hàng (P2P lending).
Kết nối trên nền tảng công nghệ không thông qua trung gian, giúp giảm thiểu nhiều chi phí, nhanh chóng tiện lợi, và tạo kênh đầu tư sinh lời hấp dẫn, cho vay ngang hàng đã trở thành kênh tài chính lớn dần và đáng chú ý tại Việt Nam.
Theo con số thống kê chính thức thì hiện đã có khoảng 40 công ty cho vay ngang hàng đang hoạt động tại Việt Nam với những con số ấn tượng về tổng dư nợ, quy mô kết nối…
Chẳng hạn, tính riêng một công ty cho vay ngang hàng Fiin đã sở hữu một cộng đồng người dùng lên tới 80 nghìn người, hay công ty Tima với số tiền mặt giải ngân lên tới hơn 62 ngàn tỷ đồng.
Với những con số trên, có thể thấy dù còn nhiều bất cập và rủi ro, nhưng sự phát triển của nền tảng này sẽ là mối đe dọa không nhỏ đối với mô hình tín dụng truyền thống.
Trong cuộc họp mới đây, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, cơ quan này đã giao cho các vụ, cục chức năng tham khảo cách thức quản lý của các nước và sẽ đề xuất thí điểm hoạt động này, coi đây là ngành kinh doanh có điều kiện.
Như trên, dòng chảy qua kênh trái phiếu và kênh cho vay ngang hàng đang góp phần định hình câu trả lời dòng tiền đi đâu, mà không tập trung nhiều vào tín dụng phản ánh trên con số tăng trưởng công bố.
Ngoài ra, vị chuyên giá trên cũng cho rằng, cho đến nay sức hấp thụ tín dụng của nền kinh tế vẫn là một điểm được chú ý. Đặc biệt đã nhiều năm trở lại đây, tốc độ giải ngân đầu tư công chậm vẫn thể hiện, như một tình trạng có tiền mà không tiêu được, không đưa mạnh ra được để hấp thụ.
Bizlive