Trong khi Trung Nguyên lục đục vì mâu thuẫn, Vinacafé đã tìm được “mỏ vàng mới”, lợi nhuận tăng trưởng 70%

Tuy nhiên, lợi nhuận của Vinacafe Biên Hòa tăng trưởng mạnh thực tế là nhờ “đẩy” chi phí sang cho công ty mẹ Masan Consumer.

CTCP Vinacafé Biên Hòa (VCF) kết thúc năm 2018 với doanh thu đạt 3.435 tỷ đồng doanh thu – tăng 6% so với năm 2017. Đáng chú ý là lợi nhuận trước thuế tăng hơn 70% từ 453 tỷ lên 776 tỷ đồng. Đây cũng là mức lãi lớn nhất từ trước đến nay của công ty đồ uống này.

Tuy vậy, sự tăng trưởng đột biến lợi nhuận không hoàn toàn đến từ tăng trưởng của hoạt động kinh doanh mà do chi phí bán hàng – khoản mục chi phí rất lớn của các doanh nghiệp hàng tiêu dùng nói chung – đã được “đẩy” sang cho Masan Consumer, công ty mẹ của công ty mẹ trực tiếp là Masan Beverage.

Vinacafe cho biết doanh nghiệp này đã chuyển đổi mô hình từ “bán hàng hóa” sang “xây dựng thương hiệu” và phân phối tập trung qua hệ thống bán hàng của Masan Consumer. Việc phân phối tập trung giúp giảm mạnh số ngày hàng tồn kho ở nhà phân phối, giảm giá phí bán hàng để tăng chi phí cho xây dựng thương hiệu.

Động thái này dẫn đến chi phí bán hàng năm 2018 của Vinacafe Biên Hòa chỉ còn vỏn vẹn 33 tỷ với trên 700 tỷ đồng của 2 năm trước đó. Tuy vậy, đi kèm với đó thì lãi gộp cũng giảm gần 400 tỷ. Nếu loại trừ đi 2 khoản chênh lệch này thì lợi nhuận thực tế của Vinacafe vẫn chỉ tương đương năm trước.

Năm 2018, Vinacafe Biên Hòa bán cho Masan Consumer lượng hàng hóa trị giá gần 3.000 tỷ đồng – tương đương 87% tổng doanh thu – trong khi năm 2017 gần như không có giao dịch.

Việc thay đổi này dẫn đến việc số liệu tài chính của riêng Vinacafe Biên Hòa sẽ không phản ánh đầy đủ lãi lỗ từ các sản phẩm mà công ty này sản xuất. Tuy nhiên dưới góc độ của Masan Consumer thì sẽ tối ưu được chi phí để gia tăng lợi nhuận.

Đầu năm 2018, Masan Beverage đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Vinacafe Biên Hòa từ 68,5% lên 98,5% do đó việc Masan có gánh chi phí thay Vinacafe Biên Hòa thì kết quả kinh doanh hợp nhất của Masan Consumer cũng không có nhiều khác biệt cũng như không gặp phải xung đột lợi ích.

Mặt hàng nước tăng lực 4 năm liên tiếp tăng trưởng trên 50%, trở thành sản phẩm chủ đạo

Về cơ cấu sản phẩm của Vinacafe Biên Hòa, báo cáo của Masan Consumer cho biết doanh thu cà phê hòa tan tăng trưởng 11%, từ 1.532 tỷ lên 1.708 tỷ đồng chủ yếu nhờ vào tăng sản lượng. Đây là năm tăng trưởng đầu tiên sau 2 năm liền chững lại và suy giảm từ mức 2.000 tỷ năm 2014.

Việc chững lại của mảng cà phê không chỉ là vấn đề riêng của Vinacafe Biên Hòa. Từ năm 2014-2017, doanh thu của Trung Nguyên cũng chỉ đi ngang trong khoảng 3.800-4.000 tỷ đồng/năm và lợi nhuận trước thuế khoảng 700-800 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên trong khi triển vọng chung của ngành cà phê hòa tan vẫn chưa quá sáng sủa và Trung Nguyên vẫn còn loay hoay với những mâu thuẫn nội bộ của 2 lãnh đạo chủ chốt thì Vinacafe Biên Hòa đã tìm được động lực tăng trưởng mới: nước tăng lực vị cà phê Wake-up 247.

Ra mắt từ năm 2014 với doanh thu năm đầu chưa đến 300 tỷ đồng thì sau 4 năm liền tăng trưởng bình quân trên 50%/năm thì đến năm 2018 nước tăng lực thậm chí đã vượt qua cả cà phê hòa tan, mang về cho Vinacafe Biên Hòa 1.950 tỷ đồng doanh thu. Mức doanh thu này của Wake-up 247 thậm chí có thể đã vượt xa so với Red Bull Việt Nam.

Với đà tăng trưởng mạnh mẽ, hiện Wake-up 247 đang được Masan đầu tư quảng bá mạnh mẽ. Sau những năm đầu chỉ gắn với lĩnh vực thể thao điện tử, gần đây thương hiệu này đã tài trợ cho nhiều sự kiện bóng đá và mới nhất là là tài trợ chính cho V-League 2019.
Kinh Kha ( Theo Cafe F)

Có thể bạn quan tâm

Tiêu hủy 11.200 chiếc bugi giả mạo nhãn hiệu NGK tại Quảng Ninh

Ngày 23/8, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh phối hợp với các cơ …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *