Diễn biến đồng Nhân dân tệ gần đây gợi lại cú sốc tỷ giá USD/VND ba năm về trước…Không phải đến lúc này, mà từ cuối tháng 5/2018 đồng Nhân dân tệ đã liên tục giảm giá. Đợt cao điểm nối tiếp từ 7/6 vừa qua. Tỷ giá USD/VND cũng bắt đầu biến động từ lúc đó đến nay.
Thêm một lần nữa tỷ giá USD/VND cho thấy sự nhạy cảm, nhất là trong một thế giới ngày càng có nhiều xáo trộn.
Một sự lặp lại
Tất nhiên, biến động tỷ giá USD/VND gắn với những yếu tố khác nhau, đặc biệt sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất và nêu định hướng đẩy nhanh và tần suất nâng lãi suất dày lên trong năm nay; nhà đầu tư nước ngoài liên tiếp bán ròng mạnh và kéo dài trên thị trường chứng khoán…
Song song, diễn biến phá giá liên tiếp đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc ám ảnh về cú sốc từng xẩy ra ba năm trước (tháng 8/2015).
Ngày 11, 12 và 13/8/2015, Trung Quốc liên tiếp phá giá mạnh đồng Nhân dân tệ, giảm lần lượt 1,9%, 1,6% và 1,1%. Lập tức tỷ giá USD/VND biến động mạnh và Ngân hàng Nhà nước đã phải liên tiếp can thiệp, cũng như tạo bước ngoặt lớn của chính sách điều hành.
Trước thời điểm này, tỷ giá USD/VND vận động khá êm ả trong “giới hạn” như một cam kết cố định mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra – cả năm tăng không quá 2%.
Nhưng từ sự cố phá giá đồng Nhân dân tệ, cũng như thời điểm đó FED thúc đẩy lộ trình tăng lãi suất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phải hai lần nới rộng biên độ tỷ giá từ biến động tăng/giảm 1% lên 2% và lên 3%; tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND với USD cũng liên tiếp tăng mạnh; tỷ giá USD/VND giao dịch trên các thị trường cũng có một bước tăng tới khoảng 3% so với đầu năm…
Nay, những tác động bên ngoài nói trên đang lặp lại, dù tính chất và mức độ khác nhau. Trong đó, chuỗi phá giá liên tiếp đồng Nhân dân tệ đang nổi bật.
Như trên, từ tháng 5/2018, căng thẳng quan hệ thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc lên cao, đồng Nhân dân tệ đã bắt đầu có chuỗi giảm giá liên tục. Ngày 7/6, Mỹ chính thức đánh thuế đối với hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc, đồng Nhân dân tệ chính thức giảm mạnh cho đến nay.
Đến ngày 13/7, tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PboC) công bố đã ở mức 6.693, so với mức tỷ giá ngày 7/6 (thời điểm bắt đầu áp thuế) là 6.3888, tức giảm tới 4,8%. Nhưng nếu nhìn cả quá trình, so với thời điểm 16/4/2018, ngày lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cán ngưỡng 3%/năm, tỷ giá này cũng mất giá khoảng 5,42%.
Mức độ có hạn
Qua các dấu mốc trên, diễn biến của đồng Nhân dân tệ gắn chặt với diễn tiến cuộc chiến thương mại lớn nhất lịch sử giữa Mỹ và Trung Quốc. Nó giống như một “vũ khí” được sử dụng trong cuộc chiến này.
Việt Nam và tỷ giá USD/VND, không phải bình thông đáy nhưng ảnh hưởng có thể gợi lại ám ảnh ba năm về trước. Tuy nhiên, sau những gì đang thể hiện, và trước mắt, mức độ lần này được dự báo là có hạn.
Trong một phân tích chuyên đề đầu tuần này về cuộc chiến thương mại Mỹ và Trung Quốc, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Maritime Bank đề cập đến hai tình huống đáng chú ý.
Đó là, ngoài biện pháp áp thuế quan, Trung Quốc có thể phá giá đồng Nhân dân tệ hoặc bán tháo số trái phiếu Chính phủ Mỹ trị giá khoảng 1.200 tỷ USD mà Trung Quốc đang nắm giữ.
“Biện pháp nào cũng có thể có tác dụng nhưng mức độ hữu dụng là có hạn”, phân tích trên đưa ra nhận định.
Diễn giải cụ thể hơn, hiện nay, đồng Nhân dân tệ chưa được tự do chuyển đổi, nên sự biến động mạnh của đồng tiền này không thể ngẫu nhiên xảy ra vào thời điểm hiện tại. Chính sách này giúp khắc phục được phần nào thiệt hại do chính sách thuế quan bảo hộ thương mại của Mỹ gây ra.
Tuy nhiên, theo nhận định của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Maritime Bank, nếu làm vậy, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với hai vấn đề phức tạp khác.
Thứ nhất, với việc sử dụng biện pháp chính sách tiền tệ này, Trung Quốc lôi kéo xung khắc thương mại Mỹ – Trung Quốc sang cả lĩnh vực tiền tệ, mà ở đây khả năng bùng phát chiến tranh tiền tệ còn tiềm tàng hơn và dễ xảy ra hơn cả chiến tranh thương mại.
“Xưa nay, chính sách tiền tệ của Trung Quốc luôn như là cái gai trong con mắt của Mỹ. Ở Mỹ hiện đã có một số luật lệ nhằm trừng phạt mạnh mẽ Trung Quốc nếu Mỹ quy kết Trung Quốc “thao túng tiền tệ”. Chiến tranh tiền tệ sẽ làm “rung chuyển” toàn bộ mối quan hệ giữa hai nước, chứ không chỉ ảnh hưởng tiêu cực như xung khắc thương mại hiện tại. Do vậy, Trung Quốc không thể không tính đến điều này”, phân tích chuyên đề trên lập luận.
Thứ hai, đồng nội tệ không thể bị phá giá một cách vô hạn. Bởi nếu đồng nội tệ bị mất giá quá mức sẽ ảnh hưởng tới uy tín của quốc gia trên thị trường quốc tế, cũng như an ninh chính trị và ổn định xã hội.
Bản phân tích trên dẫn tính toán từ chuyên gia của Deutsche Bank cho rằng, nếu xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ – Trung thì xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ sẽ giảm khoảng 78 tỷ USD, trong khi xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc giảm khoảng 13 tỷ USD. Để bù đắp lại, Trung Quốc phải phá giá đồng nội tệ ít nhất 18% – mức độ được cho là Trung Quốc không thể và không dám làm.
Trên phương diện giá trị trái phiếu Chính phủ Mỹ, nếu Trung Quốc, với tư cách là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, bán tháo thì họ có thể làm cho tình hình tài chính và chính trị của Mỹ trở nên mất ổn định, gây khó khăn cho tăng trưởng kinh tế Mỹ. Khi đó, Mỹ sẽ mất thêm nhiều nguồn lực và thời gian để đối phó và khắc phục hậu quả, nhưng không phải bị gây khó đến mức không thể khắc phục được.
Trong khi đó, nếu Trung Quốc càng bán ồ ạt trái phiếu Chính phủ Mỹ, thì điều phản tác dụng đối với họ càng rõ. Bởi vì, điều đó khiến lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ sẽ sụt giảm, kéo theo giá trị khối lượng mà Trung Quốc đang nắm giữ cũng giảm; đồng thời Trung Quốc cũng sẽ mất dần hiệu lực của một công cụ gây áp lực chính trị và tài chính đối với Mỹ. “Vì vậy, Trung Quốc có thể sẽ áp dụng mọi biện pháp ở mức độ nhất định nhằm tạo hiệu ứng cộng hưởng”, Trung tâm Nghiên cứu của Maritime Bank nhận định.
Tỷ giá USD/VND trong kiểm soát
Với Việt Nam, trong bối cảnh trên, thị trường đã thấy Ngân hàng Nhà nước sớm chủ động đẩy mạnh các nhịp điều tiết từ đầu tháng 6 vừa qua, gián tiếp giảm áp lực đối với tỷ giá USD/VND.
Nhà điều hành đưa ra thông điệp, nhanh chóng cụ thể hóa các bước hành động qua yết giá, thực hiện bán ra ngoại tệ với giá rất thấp so với trần biên độ.
Những phiên đầu tuần này, tỷ giá USD/VND đã tương đối ổn định, cũng như hạ nhiệt trên thị trường tự do. Trên thị trường liên ngân hàng, giá USD giao dịch đã tăng khoảng 1,5% so với đầu năm – mức nằm trong kiểm soát, ít nhất là so với trần biên độ hiện nay.
Tuy nhiên, trong một thế giới đang có nhiều biến động mạnh hơn, tỷ giá USD/VND sẽ có những thay đổi linh hoạt hơn, ngay cả về chính sách điều hành.
Còn nội tại, so với ba năm về trước, nguồn lực và mức độ sẵn sàng can thiệp biến động tỷ giá của Việt Nam đã khác. Quy mô dự trữ ngoại hối quốc gia đã được nâng lên hơn 63,5 tỷ USD. Cán cân thương mại đã xuất siêu mạnh so với nhiều năm trở lại đây.
Sau hướng nhập siêu xuất hiện trong tháng 5 và nửa đầu tháng 6, kỳ thống kê nửa sau tháng 6 vừa qua đã cho thấy xuất siêu mạnh trở lại. Và dự kiến hôm nay (18/7), kỳ cập nhật cán cân thương mại nửa đầu tháng 7 sẽ được công bố.
Theo Minh Đức (VnEconomy)