Mùa vải trúng đậm, thương lái “đau đầu” vì thùng xốp đắt ngang giá vải

Mùa vải năm nay được đánh giá là được mùa nhất trong 10 năm trở lại đây. Vào đợt cao điểm, giá của các mặt hàng ăn theo quả vải cũng tăng mạnh như hộp xốp, đá cây, giá thuê nhân công phân loại vải, bốc vác. “Một thùng xốp có giá 80.000 đồng thì chứa được khoảng 16 – 18 kg vải, tính thêm tiền đá cây nữa thì tổng chi phí tiền đóng gói đã đắt ngang tiền vải”- một thương lái cho biết.


Hiện vải đang vào thời gian thu hoạch rộ, sản lượng vải thiều dự kiến đạt từ 55.000 – 60.000 tấn, cao gấp đôi so với năm ngoái. Dự kiến, mùa vải sẽ còn kéo dài thêm khoảng 2 tuần nữa. Tỉnh Hải Dương hiện đang thực hiện các công đoạn và thủ tục để xuất khoảng 30 tấn vải thiều sang Mỹ.

Những ngày này có tới hàng nghìn thương lái ở khắp nơi đổ xô về Hải Dương và Bắc Giang buôn vải. Vào mùa cao điểm, giá của các mặt hàng ăn theo quả vải cũng tăng mạnh như hộp xốp, đá cây, giá thuê nhân công phân loại vải, bốc vác.

Giá vải thiều loại 1, quả đẹp hoặc trồng theo chuẩn VietGAP, hiện đang có giá khoảng 13.000 – 15.000 đồng/kg, trong khi đó vải thiều loại 2, loại 3 đạt chưa đến 10.000 đồng/kg, thậm chí có loại chỉ được thu mua giá 5.000 đồng/kg.

Để bảo quản quả vải tươi trong điều kiện thời tiết mùa hè nắng nóng, người nông dân phải dùng đến những tảng đá cây lớn, thả vào bể và nhúng vải trước khi đưa vào thùng xốp để giữ ẩm và độ tươi. Chính vì vậy mà khi vào mùa cao điểm, giá hộp xốp và đá cây tăng cao ngang với giá quả vải hiện nay. Hiện giá 1 cây đá là khoảng 50 nghìn đồng/cây.

Một chủ cơ sở sản xuất thùng xốp và đá cây cho biết, trung bình mỗi vụ vải, cơ sở của ông sản xuất và bán ra thị trường hàng vạn cây đá và thùng xốp, công nhân làm việc luôn tay mà không đủ hàng để bán. Đặc biệt, do năm nay mùa vải trúng mùa lớn nên nhiều khả năng sẽ cháy hàng. Các thương lái đang thu mua vải ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) cho biết, giá mỗi chiếc thùng xốp hiện 80.000 đồng, đắt gấp đôi so với những ngày trước đây. Lá cây dùng cho vải tươi lâu và giữ màu cũng tăng từ 30.000 đồng lên 50.000 đồng. Giá nilon, băng keo cũng tăng khoảng 30% so với tuần trước đó.

“Một thùng xốp có giá 80.000 đồng thì chứa được khoảng 16 – 18 kg vải, tính thêm tiền đá cây nữa thì tổng chi phí tiền đóng gói đã đắt ngang tiền vải”- một thương lái cho biết.

Thêm vào đó là các chi phí vận chuyển bằng container, chi phí khấu hao trên đường vận chuyển có thể khiến hoa quả hỏng, dập.

Không chỉ có chi phí đóng gói, vận chuyển quả vải tăng cao, ngay cả chi phí thuê nhân công phân loại quả vải đầu nguồn và nhân công bốc vác cũng tăng mạnh. Một công nhân bốc vác cho biết, trung bình mỗi ngày, các thành viên trong đội cửu vạn của anh bốc vác, vận chuyển được hàng chục tấn vải, tính ra mỗi tấn vải được các chủ cơ sở ở đây trả giá từ 400.000 – 600.000đ/tấn, tùy thời điểm. Mỗi thành viên của đội có thu nhập trên dưới 1 triệu đồng/ngày.

Trước đó, thị trường rộ lên tin đồn giá vải tại Lục Ngạn đầu mùa giảm, so với năm ngoái chỉ bằng 1/3, giá khoảng 6.000 – 8.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Thanh Bình- Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) – khẳng định: Giá vải thiều như một số thông tin phản ánh không đúng với thực tế. Vải bán ở khu vực những xã ở đầu huyện Lục Ngạn, sát với địa bàn huyện khác và vải đó không phải của Lục Ngạn. Đây là loại vải của vùng lân cận và không được chăm sóc đúng quy trình nên tỉ lệ sâu cuống cao, giá thấp, đối với Lục Ngạn, vải đó không đưa ra thị trường. “Hiện mới đầu mùa vải Lục Ngạn nên mỗi ngày chỉ có sản lượng dưới 100 tấn, khoảng 10 ngày nữa mới vào vụ Lục Ngạn, giá vải mà được chăm sóc cẩn thận theo chất lượng VietGAP từ 20.000-22.000 đồng/kg” – ông Nguyễn Thanh Bình nói.

Tại Lễ hội vải thiều Thanh Hà -Hải Dương 2018 mới đây, ông Phạm Thanh Hải – Giám đốc Sở công thương tỉnh Hải Dương – cho biết, tỉnh đang thực hiện các công đoạn và thủ tục để xuất khoảng 30 tấn vải thiều sang Mỹ. Vải thiều của Hải Dương đã được Cục Bảo vệ thực vật Mỹ cấp mã số cho 13 vùng trồng, diện tích 132 ha, sản lượng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu khoảng 1.000 tấn, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ, Úc và EU. Hiện, vải Thanh Hà đã được cấp 25 bộ mã truy xuất nguồn gốc, trong đó mỗi bộ mã có 2 mã truy xuất cho vải sớm và vải thiều. Nhờ đó, từ vụ vải năm 2018, người tiêu dùng có thể sử dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc vải thiều. Đồng thời, với việc dán tem truy xuất sẽ giúp người tiêu dùng phân biệt được sử dụng trái vải trồng và chăm sóc theo đúng quy trình sản xuất vải, rõ nguồn gốc xuất xứ,..

Theo ông Trần Quang Tấn – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang- vải thiều năm 2018 của tỉnh này có chất lượng cao nhất từ trước đến nay và Bắc Giang luôn coi trọng tất cả thị trường, cả trong và ngoài nước. Liên quan đến các yêu cầu, quy định mới của tỉnh Quảng Tây đối với sản phẩm nông sản của Việt Nam, đặc biệt là vải thiều, lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tìm hiểu kỹ và hướng dẫn người dân, doanh nghiệp. Đến nay, các sản phẩm nông sản của Việt Nam cũng như Bắc Giang do doanh nghiệp xuất khẩu đều tự khai báo về chất lượng, số lượng trong quá trình làm thủ tục và hoạt động này diễn ra tương đối thuận lợi. Đối với thị trường xuất khẩu, ông Tấn khẳng định, tỉnh luôn duy trì thị trường ở cả 30 nước vải thiều đang có mặt như Mỹ, Úc, EU, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, đặc biệt tập trung cao thị trường truyền thống là Trung Quốc, đẩy mạnh thêm sản lượng xuất khẩu vào thị trường Thái Lan, Maylaysia.
Theo Linh Chi (laodong.vn)

Có thể bạn quan tâm

Chân dung ông Phạm Thái Hà – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội vừa bị bắt

Ông Phạm Thái Hà bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Lợi dụng chức …