Tại văn bản số 1706/VPCP, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có ý kiến đối với đề xuất của UBND tỉnh Hải Dương về việc đầu tư Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hồ Thanh Long.
Theo văn bản, Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1639/QĐ-TTg ngày 19 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ) và Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương đến năm 2040 (Quyết định số 555/QĐ-UBND ngày 25 tháng 02 năm 2022 của UBND tỉnh Hải Dương) đã định hướng phát triển khu vực hồ Thanh Long trở thành Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND tỉnh Hải Dương và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp lập Nhiệm vụ Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc.
UBND tỉnh Hải Dương chủ động phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tiếp thu đầy đủ ý kiến của các Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Tài nguyên và Môi trường để triển khai các bước cần thiết theo đúng quy trình, thủ tục để đầu tư, phát triển khu vực hồ Thanh Long theo đúng quy định và không được để xảy ra tiêu cực, tham nhũng.
Liên quan đến việc này, đầu tháng 1 vừa qua, UBND tỉnh Hải Dương đã tổ chức phiên họp tháng 1 (lần 2) để nghe và thảo luận cho ý kiến vào nội dung báo cáo của các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Văn phòng UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh.
Tại phiên họp, UBND tỉnh đã xem xét nội dung đề xuất triển khai dự án đầu tư khu du lịch sinh thái hồ Thanh Long (Chí Linh).
Sau thảo luận, UBND tỉnh Hải Dương đã thống nhất sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao tỉnh lập quy hoạch tổng thể dự án, đề xuất các dự án thành phần; đồng thời đề xuất chủ trương, cơ chế thực hiện.
Theo đề xuất của doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, ý tưởng quy hoạch Khu du lịch sinh thái Hồ Thanh Long sẽ xây dựng nơi đây thành một khu du lịch tổng hợp có tầm cỡ quốc gia, quốc tế với với các loại hình du lịch đặc trưng là lịch sử, văn hoá, tâm linh, sinh thái. Tôn tạo các di tích lịch sử, khôi phục tổ chức lễ hội truyền thống để thu hút khách thập phương.
Toàn bộ khu vực nghiên cứu quy hoạch dự án có tổng diện tích với khoảng 1.502 ha, xây dựng, tôn tạo tháp thờ phật, tháp chuông … với tâm điểm là 3 ngọn tháp ở hồ Tam Tôn, nối với nhau bằng hệ thống đường ngầm dưới lòng hồ. Trên các đảo nổi trong lòng hồ, tôn tạo xây dựng chùa Thanh Long thành ngôi chùa lớn để thu hút khách du lịch. Khi công trình được đưa vào sử dụng sẽ cải tạo mỹ quan khu vực, đặc biệt là điểm kết nối, làm nổi bật khu di tích Côn Sơn- Kiếp Bạc. Doanh nghiệp cũng cam kết đầu tư gần 10.000 tỷ đồng với thời gian 10 năm vào khu du lịch này.
Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường được biết đến là chủ đầu tư nhiều dự án du lịch tâm linh có giá trị đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng ở nhiều tỉnh, thành phía Bắc như quần thể Bái Đính – Tràng An (Ninh Bình), khu du lịch Tam Chúc – Ba Sao (Hà Nam), khu tâm linh tổng hợp đảo Cái Tráp (Hải Phòng), khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên)…
Người đứng sau tạo nên thành công của Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường là ông Nguyễn Văn Trường (sinh năm 1963). Dù là doanh nhân lừng lẫy, nhưng rất hiếm khi ông Trường xuất hiện trên các phương tiện truyền thông.