CBRE vừa công bố kết quả khảo sát thực hiện vào hai tháng cuối năm 2023. Khảo sát này hỏi về ý định và kế hoạch của nhà đầu tư tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong năm 2024. Kết quả cho thấy, Việt Nam đứng thứ hai trong các thị trường mới nổi được ưu tiên đầu tư, chỉ sau Ấn Độ. Vị trí thứ ba thuộc về Thái Lan.
Theo đó, khảo sát nhận được hơn 500 câu trả lời từ những nhà đầu tư tổ chức với nhiều câu hỏi liên quan đến kế hoạch đầu tư, nhận định về những thách thức trong thời gian tới, chiến lược ứng phó, mảng thị trường và quốc gia được ưu tiên đầu tư trong năm tới.
Kết quả cho thấy, thị trường Việt Nam có bối cảnh độc đáo, nơi các danh mục đầu tư gồm tài sản tạo thu nhập rất khan hiếm và thường không chào bán nhiều trên thị trường. Hầu hết các nhà đầu tư vào Việt Nam đều tập trung sự chú ý vào bất động sản công nghiệp và văn phòng.
“Nền kinh tế vững mạnh và chú trọng vào xuất khẩu của Việt Nam đã thúc đẩy các hoạt động thương mại phát triển, tạo nên nhu cầu mạnh cho việc quản lý chuỗi cung ứng và hậu cần hiệu quả. Các nhà đầu tư nhận ra tiềm năng từ những động lực này nên rất quan tâm đến bất động sản công nghiệp”, báo cáo của CBRE nêu.
Ngoài bất động sản thương mại, đất dự án phát triển nhà ở tại Việt Nam tiếp tục thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ các chủ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài.
Nhiều nhà đầu tư tích cực tìm kiếm các tài sản giảm giá hoặc tài sản thuộc sở hữu của chủ đất đang phải đối mặt với những khó khăn pháp lý hoặc nguồn vốn. Xu hướng này nêu bật khả năng phục hồi và sức hấp dẫn của phân khúc nhà ở tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Phạm Anh Duy – Giám đốc Bộ phận Tư vấn đầu tư của CBRE Việt Nam – nhận định, nhà đầu tư có tầm nhìn dài về tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam và sẵn sàng đầu tư vốn có thể hưởng lợi ngay từ chu kỳ điều chỉnh giá vừa qua.
“Điều này đặc biệt đúng với hiện trạng hiện nay khi bên mua được hưởng lợi từ các bên bán là nhà đầu tư hiện hữu trên thị trường đang cần thoái vốn sau khi đã nắm giữ vận hành tài sản đủ một thời gian nhất định”, ông Duy nói.
Khảo sát này cũng chỉ ra các nhà đầu tư ở châu Á – Thái Bình Dương thích tìm kiếm mục tiêu lợi nhuận 2 con số. Họ đang chuyển chiến lược ưu tiên sang tài sản có thể tăng giá trị hoặc tài sản đang có vấn đề về nguồn vốn, buộc phải giảm giá.
Theo đó, hơn 60% nhà đầu tư nước ngoài có kế hoạch nâng cấp các tòa nhà đắc địa trong danh mục đầu tư của họ theo tiêu chuẩn ESG (môi trường – xã hội và quản trị doanh nghiệp) trong năm 2024. Phần lớn trong số đó là quỹ tư nhân, quỹ bất động sản và quỹ tín thác bất động sản (REITs). Đây cũng là xu hướng nhằm theo đuổi chiến lược gia tăng giá trị tài sản.
Nhìn chung, CBRE đánh giá nhu cầu mua dự án bất động sản trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương còn khá yếu, trong khi nhu cầu bán dự án ở mức cao. Nhà đầu tư ở hầu hết các thị trường, điển hình như Nhật Bản, sẽ tiếp tục giữ động thái chờ đợi và quan sát trong nửa đầu năm 2024.
Trong toàn khu vực, lãi suất chính sách của ngân hàng trung ương và sự bất ổn kinh tế là hai mối lo ngại hàng đầu đối với các nhà đầu tư vào năm 2024, dù những lo lắng này đã giảm bớt đáng kể so với năm ngoái.
Sự chênh lệch giữa kỳ vọng về giá giữa người mua và người bán vẫn là trở ngại lớn lớn nhất trong các giao dịch, dù chu kỳ điều chỉnh giá đã xảy ra ở hầu hết các thị trường ở châu Á – Thái Bình Dương vào năm 2023.
Ba thách thức hàng đầu trong việc tìm nguồn vốn vay cho hoạt động đầu tư bất động sản ở châu Á – Thái Bình Dương gồm tỷ lệ khoản vay trên giá trị chưa được tốt hoặc chênh lệch tín dụng, tăng chi phí khoản vay đối với các khoản vay mới và biến động lãi suất không chắc chắn.
Tiền Phong