Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho biết, đến hết tháng 8 năm nay có 27 địa phương đề nghị giảm dự toán vay với tổng số vốn hơn 5.500 tỷ đồng.
Các địa phương trả lại vốn vay gồm: An Giang, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bến Tre, Bình Dương, Bình Thuận, Cà Mau, Cần Thơ, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Kon Tum, Lai Châu, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Lào Cai, Ninh Bình, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, TPHCM, Thanh Hóa, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, Tây Ninh, Tiền Giang.
Nguyên nhân đề nghị giảm kế hoạch vốn vay lại do dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư; gặp vướng mắc như giải phóng mặt bằng, đấu thầu. Khi dự án không giải ngân được hết kế hoạch vốn, địa phương đề nghị giảm vốn vay lại.
Cả nước có 27 địa phương đề nghị giảm dự toán vay với tổng số vốn hơn 5.500 tỷ đồng. (Ảnh minh họa: ST). |
Ở chiều ngược lại, có 6 địa phương xin tăng thêm vốn vay với tổng số tiền gần 350 tỷ đồng, gồm: Bình Định, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Phú Thọ.
Theo kế hoạch được Chính phủ phê duyệt năm nay, địa phương vay từ nguồn vay lại vốn nước ngoài của Chính phủ và các nguồn vay khác là 27.200 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các địa phương phải trả nợ gần 5.000 tỷ đồng, trong đó tiền gốc 2.800 tỷ đồng và tiền lãi gần 2.200 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, việc bộ, ngành, địa phương trả lại vốn ODA chỉ là trả vốn kế hoạch, không phải trả tiền. Quy định của Luật Đầu tư công, dự án muốn được giải ngân phải có trong hạn mức kế hoạch được giao.
“Về bản chất, tất cả vốn ODA đều dành cho từng dự án cụ thể, giải ngân theo tiến độ thực tế, không thể sử dụng tiền vay dự án A cho dự án B. Việc trả lại hay điều chuyển kế hoạch vốn chỉ thực hiện trên thủ tục trong nước, không ảnh hưởng tới hiệp định vay, vốn vay cho từng dự án. Dự án chỉ bị ảnh hưởng nếu không kịp tiến độ dẫn tới hết hạn giải ngân, phải đàm phán gia hạn hiệp định vay hoặc hủy vốn”, lãnh đạo Cục Tài chính đối ngoại nói.
Lãnh đạo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho biết, việc trả lại kế hoạch vốn vay cũng không ảnh hưởng tới nợ công. Nợ công chỉ tính khi giải ngân cho dự án, bên cho vay thông báo chuyển tiền và ghi nhận nợ của Chính phủ.
Kể từ khi Luật Đầu tư công sửa đổi được thông qua, bộ ngành, địa phương khi trả lại kế hoạch vốn đầu tư công không giải ngân hết, năm sau sẽ được cấp lại khoản vốn này. Điều này cũng góp phần hạn chế tình trạng ôm vốn đầu tư công không giải ngân hết.
Nợ công của Việt Nam đến cuối năm 2022 đạt khoảng 3,6 triệu tỷ đồng; tổng trả nợ trong kỳ khoảng 380.000 tỷ đồng.
Theo Tiền Phong