Không ít cá nhân phải rời khỏi danh sách tỷ phú. Điều đó khiến nhiều người giàu làm mọi cách để bảo toàn tài sản thay vì cố gắng gia tăng như trước.
Theo báo cáo của Altrata, một công ty dữ liệu tập trung vào người giàu có trụ sở tại London (Anh), số lượng tỷ phú toàn cầu giảm 3,5%, xuống còn 3.194 người. Trong khi đó, tài sản của họ tụt dốc ở mức 11 nghìn tỷ USD.
Altrata nhận xét đây là mức giảm lớn thứ hai trong thập kỷ qua. Báo cáo của công ty dựa trên dữ liệu do đơn vị Wealth-X thu thập.
Các số liệu của Capgemini, công ty tư vấn dịch vụ và công nghệ thông tin tại Paris (Pháp), cho thấy những người có tài sản từ 1 triệu USD trở lên đã hạ 3,3%, còn 21,7 triệu cá nhân. Ngoài ra, của cải của họ cũng giảm xuống 3,6%, còn lại 83 nghìn tỷ USD.
Trong bảng thống kê tài sản thế giới hàng năm được công bố hôm 1/6, Capgemini nhận xét con số này là mức đi xuống tệ nhất trong vòng 10 năm qua.
Số người thuộc giới siêu giàu, có khối tài sản ít nhất 30 triệu USD, giảm nhiều nhất (khoảng 4,6%) vào năm ngoái sau khi tăng 9,6% trong năm 2021. Năm 2022, các quỹ về tiền bạc, danh mục đầu tư của 210.000 cá nhân thuộc tầng lớp thượng lưu đã hạ 3,7%, Barrons đưa tin.
Altrata lưu ý các tỷ phú chỉ chiếm 0,8% trong số những người có giá trị tài sản ròng ít nhất 30 triệu USD trở lên, nhưng họ giữ 24% tổng của cải của nhóm này.
Cả Altrata và Capgemini đều cho rằng kinh tế suy thoái ở một số quốc gia, thị trường chứng khoán biến động, lãi suất tăng và căng thẳng địa chính trị đã góp phần tạo nên tình trạng trên.
Nhiều người giàu nhất thế giới đã chuyển sang chiến lược bảo toàn những gì đang sở hữu để đối phó với thời điểm khó khăn hiện tại.
Tuy nhiên, đối với các tỷ phú, tình hình chung của thế giới mang lại những kết quả khác nhau. Nhóm kiếm tiền từ công nghệ, chăm sóc sức khỏe và bất động sản đã mất hơn 5% tài sản vào năm 2022.
Trong khi đó, những người có nguồn thu tích lũy từ hàng không vũ trụ, quốc phòng, xây dựng, kỹ thuật, thực phẩm và đồ uống thì chứng kiến vận may của họ đi lên.
Theo Capgemini, 2/3 cá nhân có từ 1 triệu USD trở lên đang thực hiện các biện pháp bảo vệ của cải bằng cách cắt giảm lượng cổ phiếu nắm giữ xuống còn 23% tổng danh mục đầu tư, đồng thời tăng tỷ lệ lưu trữ tiền mặt và các khoản tương đương.
Khi nền kinh tế toàn cầu, thị trường vốn và chuyển động tiền tệ ảnh hưởng đến tất cả người giàu có, các nhà phân tích cho rằng lãi hay lỗ cũng là do các chiến lược kinh doanh, đầu tư cá nhân, lập kế hoạch về quỹ, thuế, hoạt động từ thiện.
“Không có cấu trúc tài sản của tỷ phú nào giống nhau và tác động mà họ gánh chịu cũng sẽ rất khác với mọi người”, báo cáo cho biết.
Billionaire Census cũng ghi nhận những người giàu nhất, có từ 50 tỷ USD, mất 23,2% tiền của, trong khi thành phần cuối cùng của kim tự tháp, với tài sản từ 1 tỷ USD đến 2 tỷ USD thất thoát 3,2%.
Hầu hết tỷ phú sống ở Mỹ, khoảng 955 người, đã giảm 2,1% trong năm ngoái. Số lượng doanh nhân siêu giàu ở Trung Quốc và Đức cũng chứng kiến tình trạng tương tự.
Chỉ có Singapore nâng lên 4 người và Moscow, nơi sinh sống của 76 thành viên có tài sản lên đến hàng tỷ USD, tăng 1 người.
Altrata cho hay độ tuổi trung bình của các tỷ phú trên thế giới là 67, trong đó những người dưới 50 tuổi chỉ chiếm 10% tổng số.
Còn theo Capgemini, trong khi số người giàu và tổng tài sản của họ giảm tại châu Âu, châu Á – Thái Bình Dương, Bắc Mỹ thì tình hình ngược lại ở châu Phi, châu Mỹ Latinh và Trung Đông
Theo Zing