Mới đây, thông tin 04 lô đất codoetel dự án Đà Nẵng Times Square được cho phép chuyển thành chung cư đã gây bất ngờ về tài năng của đại gia bí ẩn đứng phía sau.
Chuyển “đất vàng” từ condotel sang đất ở
Mới đây, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành liền 02 Quyết định cho phép Công ty Cổ phần Kim Long Nam (Kim Long Nam) được chuyển mục đích sử dụng 04 lô đất (CT1, CT2, CT3, CT7) diện tích gần 4.000m2 của dự án Đà Nẵng Times Square từ thương mại dịch vụ (condotel) sang đất ở đô thị (xây dựng nhà chung cư).
Thông tin trên khiến dư luận hết sức quan tâm, bởi với những dự án bất động sản bình thường giai đoạn hiện nay tại nhiều địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn không chỉ về đòn bẩy vốn, mà đặc biệt về pháp lý, rất nhiều dự án phải đình trệ, chậm triển khai vì 02 yếu tố cốt lõi này.
Với dự án Đà Nẵng Times Square cũng vậy, dù được khởi công năm 2017 nhưng đến nay cũng chưa thể hoàn thiện đưa vào sử dụng do gặp phải những vướng mắc pháp lý.
Việc UBND thành phố Đà Nẵng cho phép Kim Long Nam chuyển đổi 04 tòa condotel của Dự án Times Square sang đất ở đô thị nằm ngay tại vị trí “đất vàng” có giá trị bậc nhất nằm ngay tại mặt biễn Mỹ Khê cho thấy sự quyết liệt “gỡ vướng” của chính quyền sở tại. Song điều này cũng thể hiện phần nào “tầm vóc” của nhà đầu tư Kim Long Nam.
Thực tế để đưa ra được những quyết định quan trọng trên, UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã phải căn cứ vào nhiều văn bản quan trọng khác như: Đề nghị của Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kim Long Nam thông qua Đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất các lô đất trên hay như các Tờ trình của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng.
Tìm hiểu cho thấy, việc chuyển đổi mục đích sử dụng 04 lô đất này không phải tới nay mới được đặt ra, mà ngay từ cuối năm 2020, UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch dự án Times Square.
Trong đó, theo quy hoạch cũ (năm 2016) tổng diện tích dự án có quy mô là 2,15ha, các lô CT1, CT2, CT3, CT7 được quy hoạch làm Condotel, nhưng theo quy hoạch điều chỉnh năm 2020 các lô này được chuyển thành loại hình “Đất chung cư – thương mại” diện tích là 9.402m2 (với đất xây dựng công trình là 5.414m2, còn lại là đất sân bãi nội bộ).
Thời điểm điều chỉnh này, UBND thành phố Đà Nẵng nêu rõ: Với các khối còn lại xây dựng căn hộ du lịch gồm: B1, B2, B3, B4, B5, B6, B7, CT4, CT5 chưa có quy định về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất được xây làm Condotel. Do đó tạm thời giữ nguyên theo Quy hoạch năm 2016, nhưng riêng 04 lô đất trên được chuyển đổi.
Đại gia Trương Đình Trung là ai?
Tìm hiểu về Công ty Cổ phần Kim Long Nam, chủ đầu tư dự án Đà Nẵng Times Square cho thấy, doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 4/2015, với ngành nghề kinh doanh chính là bán ô tô, do ông Trương Đình Trung (SN 1981) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Đến tháng 11/2016, Kim Long Nam chuyển trụ sở từ số 3 + 5, đường Nguyễn Văn Linh, phường Gia Thụy, Long Biên, Hà Nội đến tầng 2, tòa nhà Danang Plaza, 16 Nguyễn Du, phường Thạch Quang, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng. Thời điểm 2016 cũng là thời điểm dự án Đà Nẵng Time Square bắt đầu được định hình, quy hoạch.
Kim Long Nam do 04 cổ đông sáng lập bao gồm: pháp nhân Công ty Cổ phần xây dựng giao thông và vận tải Cần Thơ, và các ông Trương Đình Trung, Phan Trọng Hiến, Nguyễn Trí Dũng.
Tới thời điểm tháng 01/2017, chỉ còn ông Trương Đình Trung sở hữu 50% cổ phần tại Kim Long Nam, còn lại 03 cổ đồng trên đã chuyển nhượng hoàn toàn vốn.
Thực chất, Công ty Cổ phần xây dựng giao thông và Vận tải Cần Thơ vốn ban đầu là doanh nghiệp nhà nước, với ngành nghề kinh doanh vận tải hành khách. Tại doanh nghiệp này từ năm 2016 đến nay sự xuất hiện của ông Trương Đình Trung đóng vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Ngoài 50% cổ phần do ông Trương Đình Trung nắm giữ tại Kim Long Nam. 50% cổ phần từ các cổ đông thoái vốn “về tay” nhóm chủ đầu tư nào đang là dấu hỏi lớn, và liên quan trực tiếp tới Dự án Times Square.
Được biết, trong năm 2017 giữa Kim Long Nam và Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) đã xuất hiện những giao dịch tín dụng, trong đó Kim Long Nam đã sử dụng các lô đất CT1, CT2, CT3, CT7 để làm tài sản bảo đảm cho các giao dịch này.
Một pháp nhân khá quan trọng trong hệ sinh thái của ông Trương Đình Trung là Công ty Cổ phần đầu tư đô thị Vịnh Thuận Phước.
Doanh nghiệp này thành lập năm 2009, cũng đặt trụ sở tại tầng 2, Tòa nhà Danang Plaza, 16 Trần Phú, phường Thạch Thang, Hải Châu, TP Đà Nẵng.
Công ty Cổ phần đầu tư đô thị Vịnh Thuận Phước chính là chủ đầu tư Dự án Khu đô thị, thương mại và dịch vụ phía Bắc Vịnh Mân Quang, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng có diện tích đất nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch (năm 2017) lên tới 97,64ha, quy mô dân số khoảng 19.530 người.
Dự án được quy hoạch 18 khu đất xây dựng công trình căn hộ cao tầng; 678 lô đất biệt thự; 1.480 lô đất liền kề. Quy hoạch 11 khu đất xây dựng các công trình thương mại dịch vụ. Quy hoạch các khu công viên cây xanh,…
Không chỉ có vậy, từ tháng 12/2017 ông Trương Đình Trung đứng với vai trò làm Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần Bất động sản Nova Đà Nẵng (trước đó có tên Công ty Nova Đà Nẵng 79).
Đây là doanh nghiệp được thành lập và tháng 8/2016 với 5 cổ đông sáng lập đều là cá nhân, gồm: Nguyễn Xuân Như Trang (0,01%), Lê Văn Sáu (25%), Hoàng Hữu Thân (25%), Dương Trường Sơn (0,01%) và Lê Nguyễn Diễm My (49,98%).
Riêng cổ đông tên Lê Văn Sáu có liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) trước đó. Tại phiên tòa ngày 10/6/2019, Vũ “nhôm” khai nhận đã sử dụng giấy chứng minh nhân dân mang tên Lê Văn Sáu để thâu tóm loạt đất công tại Đà Nẵng.
Cái tên Lê Văn Sáu cũng xuất hiện làm cổ đông tại Công ty Cổ phần Thương mại đầu tư phát triển Hoàng Huy – nơi mà ông Trương Đình Trung hiện nay đang làm Tổng giám đốc.
Ngoài ra, Kim Long Nam của ông Trương Đình Trung cũng chính là đơn vị phát triển dự án Khu phức hợp dịch vụ thương mại cao tầng An Hòa (4.268,4 tỷ đồng). Dự án có vị trí tại phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, được giới đầu tư gọi là đất kim cương khi có 4 mặt tiền: đường Phạm Văn Đồng; Chính Hữu; Morrison; Lê Văn Quý.