Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu không để xảy ra tình trạng Tết thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung hay tăng giá đột biến.
Năm 2023, Quốc hội giao chỉ tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%. Tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá ngày 28/12, Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá, cho rằng áp lực với Ban chỉ đạo sẽ không đơn giản.
Ông nêu loạt yếu tố tác động tới điều hành giá trong nước, như thuế, tăng lương cơ sở, Trung Quốc nới lỏng chính sách chống dịch…, nhiều khả năng giá cả một số mặt hàng có thể sẽ tăng lên, nhất là xăng dầu.
Phân tích cụ thể hơn, Thứ trưởng Xây dựng Bùi Hồng Minh cho biết, một số yếu tố bất lợi trong điều hành giá năm sau, như chi phí vốn toàn cầu tăng; chi phí năng lượng tiếp tục biến động (cấu trúc năng lượng năm 2023 sẽ khác năm 2022); chi phí lương thực toàn cầu… Đây là những yếu tố tác động rất lớn đối với nền kinh tế, thanh khoản, bởi Việt Nam có độ mở kinh tế lớn.
Còn Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải nói, năm 2023 tiềm ẩn rất nhiều yếu tố khó khăn, bất lợi với công tác quản lý, điều hành giá, nhất là trong nửa đầu năm. Ông Hải đề xuất một số giải pháp cụ thể liên quan đến điều hành giá xăng dầu, giá điện và các mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm…) dịp Tết Nguyên đán 2023.
Bối cảnh nhiều thách thức cho quản lý, điều hành giá, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá thị trường, nhất là các mặt hàng thuộc diện bình ổn, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm. Việc này để các cơ quan quản lý chủ động phương án hoặc đề xuất biện pháp đảm bảo cung cầu, bình ổn thị trường.
“Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến”, ông nêu, và yêu cầu các bộ, ngành phối hợp để khắc phục những “chuệch choạch” trong phối hợp điều hành vừa qua, nhất là khắc phục tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ.
Phó thủ tướng lưu ý Bộ Giao thông Vận tải trong quản lý dịch vụ vận tải hành khách dịp tết Nguyên đán, xử lý nghiêm các hành vi tăng giá vé bất hợp lý, và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân về quê ăn Tết.
Về chính sách tài khóa, Bộ Tài chính rà soát lại các sắc thuế sắp hết hiệu lực để tham mưu giải pháp phù hợp cho cấp có thẩm quyền quyết định sớm.
Các bộ, ngành, địa phương sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định, để kiểm soát, bình ổn thị trường.
Với các mặt hàng Nhà nước định giá, dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường, các địa phương, bộ ngành chủ động tính toán, đánh giá tác động và chuẩn bị phương án đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định vào thời điểm phù hợp.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ đề nghị năm 2023, bên cạnh các mặt hàng xăng dầu, nhựa đường, cần phối hợp quản lý, kiểm soát chặt chẽ giá mặt hàng vật liệu xây dựng (đất, cát, đá,…). Việc này cần kíp trong bối cảnh ngày 1/1/2023, Bộ Giao thông Vận tải sẽ đồng loạt khởi công 12 dự án thành phần dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông.
Về điểm này, ông Bùi Hồng Minh, Thứ trưởng Xây dựng cho hay, các dự báo cho thấy giá vật liệu xây dựng cơ bản sẽ không có biến động lớn, phù hợp thị trường, trừ nhựa đường và nguồn cung đất đắp ở Nam Bộ. Hiện ngành giao thông là hộ tiêu thụ lớn của ngành vật liệu xây dựng. Ông Minh cho hay, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan để quản lý giá các mặt hàng này.
Theo Anh Minh/vnexpress.net