Cũng theo ông Lê Huỳnh Hoàng Minh, gần 6 tháng qua thị trường bất động sản (BĐS) Cần Thơ gần như đóng băng. Giao dịch nhà đất xuống rất thấp. Ngân hàng hạn chế giải ngân cho vay BĐS trong khi đó lãi suất cho vay tăng cao. Các văn phòng công chứng làm việc cầm chừng. Nhiều công ty dịch vụ BĐS cho nhân viên nghỉ việc đến 70 – 80% do giao dịch BĐS giảm nhiều. Trước đây khi thị trường BĐS tăng nóng, nhà đất rao bán nhanh. Hiện nay khi thị trường BĐS ảm đạm, nhà đất rao bán cả tháng không ai hỏi. Với những người kẹt vốn, bán BĐS giá giảm so với giá bình thường 20 – 30% sẽ có người mua nhưng với điều kiện sản phẩm giao dịch phải có sổ đỏ, vị trí tốt.
Theo nhận định của giới kinh doanh BĐS, thị trường này Cần Thơ đang rơi vào giai đoạn khó khăn, thử thách. Nguyên nhân chính là ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế, tài chính thế giới. Ngoài ra nó có những nguyên nhân phụ như: Sau dịch COVID-19 phần lớn dân còn khó khăn; giá BĐS thời gian qua tăng cao quá; thị trường BĐS thiếu sản phẩm tốt, pháp lý chưa rõ ràng; các chính sách liên quan về đất đai có nhiều thay đổi; nhà đất mua được, bán rất chậm; ai cũng chờ giá sụt giảm 30 – 50% sẽ mua… Việc ngành thuế Cần Thơ truy thu thuế với hàng trăm trường hợp sai phạm về pháp luật thuế làm cho giới đầu tư BĐS chùn tay…
Ngoài cái khó về thị trường, hiện nay giới đầu tư dự án khu dân cư cũng đang gặp nhiều khó khăn. Chính sách đất đai sắp tới có điều chỉnh, điều này tác động ít nhiều đến việc cấp phép đầu tư và bồi thường, giải phóng mặt bằng. Hiện nay Cần Thơ và một số tỉnh ở ĐBSCL đang lúng túng trong chính sách giao đất dự án khu dân cư có thu tiền sử dụng đất hay giao đất qua đấu giá quyền sử dụng đất.
Hiệp hội BĐS Cần Thơ có ý kiến đề nghị: địa phương cần tăng cường tạo quỹ đất sạch để mời gọi các nhà đầu tư. Thành phố sớm ban hành quyết định mức thu tiền sử dụng đất, thuê đất, giá nền tái định cư, giá bồi thường các dự án BÐS trên địa bàn để các chủ đầu tư dự án thực hiện tốt nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Hiện nay có nhiều chủ đầu tư muốn nộp tiền sử dụng đất nhưng chưa nộp được vì phải chờ cơ quan chức năng xác định lại mức thu. Khi dự án chưa nộp tiền sử dụng đất thì không thể thực hiện các bước tiếp theo và chắc chắn là khó khăn trong giao dịch.
Ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại – Địa ốc Tín Phát cho rằng, Cần Thơ một thành phố trẻ, trung tâm ĐBSCL, vùng đất tiềm năng cho thị trường BĐS. Tuy nhiên, cũng như cả nước, thị trường BĐS hiện nay đang bị ngộp. Cần sớm có một “phép màu” giải cứu. Đó là chính sách để gỡ rối pháp lý cho BĐS, khơi thông nguồn vốn để tạo dòng chảy BĐS. Khi dòng chảy BĐS trở lại bình thường, đô thị phát triển, dân có nhà ở, Nhà nước có nguồn thu, ngân hàng hoạt động mạnh trở lại và ngành xây dựng sẽ giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động. Ở Trung Quốc, cuối cùng họ cũng đã ra tay “giải cứu thị trường BĐS”. Gần đây họ còn chỉ thị cho ngân hàng giải ngân vốn vay cho các công ty dịch vụ BĐS và xây dựng.
Ông Phạm Văn Luận, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội BÐS Cần Thơ cho biết, từ quý 3/2022 đến nay, ảnh hưởng khó khăn về tài chính, thị trường BĐS Cần Thơ suy giảm rất nhiều. Nguồn vốn đầu tư vào BÐS hiện nay chủ yếu nguồn lực tài chính tự có của nhà đầu tư, không lệ thuộc vào vốn vay ngân hàng. Việc Chính phủ đầu tư mạnh hạ tầng giao thông ĐBSCL giai đoạn 2021-2025, hy vọng thị trường BĐS TP.Cần Thơ cùng các tỉnh trong vùng sớm khởi động trở lại.
Theo