20 phút cứu bé gái rơi xuống hố sâu

Cảnh sát bơm oxy, nhanh chóng đưa phương án cứu hộ bé gái 5 tuổi ở thị trấn Hiệp Phước, Nhơn Trạch, đang yếu dần khi rơi xuống hố sâu 15 m.

Một ngày sau khi được đưa lên khỏi hố khoan cọc bêtông sâu 15 m cách nhà khoảng 300 m, bé Tuyền vẫn chưa hết bàng hoàng, tâm lý còn sợ khi gặp người lạ. Sau khi lọt xuống hố sâu vào chiều 19/12, bé bị thương phần mềm ở lưng, đang được bác sĩ theo dõi xương sống.

Anh Tuấn, ba của Tuyền, cho biết hai vợ chồng từ Phú Yên vào thuê trọ gần Khu dân cư Thăng Long Home Hiệp Phước để đi làm công nhân tại khu công nghiệp Nhơn Trạch. Trưa qua, bé Tuyền cùng chị gái 12 tuổi và ba bé nhỏ hàng xóm đi chơi. Khoảng 15h, người chị lớn chạy về nhà báo không thấy em gái đâu.

Lúc này anh Tuấn hốt hoảng lấy xe máy chạy quanh khu dân cư Hiệp Phước kiếm con. “Ban đầu tôi cứ tưởng cháu ham chơi, chỉ la cà ở đâu đó nên chạy khắp nơi tìm. Đôi lúc cũng loé lên suy nghĩ cháu bị kẻ xấu bắt cóc”, anh kể.

30 phút sau, khi đi qua dự án Thăng Long Home, anh Tuấn được ông Lại Thế Quang, phụ trách của công trường này, người cũng đang đi tìm, hét lên thông báo đã thấy bé gái ở dưới hố cọc nhồi bêtông ở khu đất rộng hơn 5.000 m2.

Ông Quang kể lại lúc rà soát thấy mũ trẻ em nằm trên nền công trình. Ông chạy tới nghe dưới hố sâu hun hút có tiếng con nít vọng lên. Ông cùng nhiều người tìm cách đưa bé lên nhưng bất thành vì hố quá sâu, bề rộng quá hẹp, chỉ 40 cm, vừa đủ thân hình trẻ 5-6 tuổi.

Đại úy Hổ kể lại giây phút hướng dẫn bé gái luồn dây đai vào người. Ảnh: Phước Tuấn

Đại úy Hổ kể lại giây phút hướng dẫn bé gái luồn dây đai vào người. Ảnh: Phước Tuấn

Đại úy Trương Ngũ Hổ (Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực Nhơn Trạch Công an tỉnh Đồng Nai), tổ trưởng cứu nạn, cho biết khoảng 16h, đội gồm 14 chiến sĩ cùng hai xe chuyên dụng có mặt ở vị trí bé gái gặp nạn. Sau khi soi đèn pin, dùng thiết bị chuyên dụng thăm dò, cảnh sát đưa phương án đào một hố bên cạnh rồi khoét lỗ ngang đưa bé lên.

“Đây là giải pháp mà cảnh sát Bình Dương từng thực hiện để đưa bé gái 7 tuổi dưới giếng sâu năm 2015”, đại uý Hổ nói.

Tuy nhiên cách làm này gặp khó khăn khi phải huy động nhiều lực lượng, máy móc, tốn thời gian, dự tính tận khuya mới tiếp cận được nạn nhân. Trong khi đó, dưới hố sâu cháu bé ngày càng mệt, giọng yếu và nhỏ dần. Các thành viên cứu nạn đã bơm oxy xuống cùng với trấn an tâm lý bé gái.

Trong khi nói chuyện, anh Hổ phát hiện chi tiết bé Tuyền vẫn đưa một tay lên được nên đã xin ý kiến chỉ huy cho đổi phương án sang dùng dây đai đeo chậm để cứu hộ. Đây là thiết bị chuyên dùng thả xuống kéo nạn nhân lên thay vì đào hố bên cạnh.

Giây phút đưa bé gái lên an toàn của lực lượng cứu hộ cứu nạn. Ảnh: Thái Hà

Giây phút đưa bé gái lên an toàn của lực lượng cứu hộ cứu nạn. Ảnh: Thái Hà

Dây đai thòng xuống, trên miệng hố đại úy Hổ gập người hét to: “Nếu con nghe được thì gật đầu, tay con đâu, đưa lên choàng qua đai…”, phía dưới bé Tuyền thực hiện đúng chỉ dẫn khiến cả đội đều vui mừng. Tuy nhiên Tuyền chỉ luồn dây vào được tay bên nách trái, hố quá chật, tay phải bị đau không đưa lên được, dây đai khó luồn qua hai nách em như dự tính.

Các thành viên cứu hộ nhận định việc bé đã luồn một tay vào dây đai tỷ lệ thành công khi kéo lên rất cao nhưng vẫn có xác suất bị tuột. Nếu điều này xảy ra tính mạng em bị đe dọa. Lúc này thời gian cứu hộ được tính bằng giây bởi sức khỏe bé ngày càng yếu dần. Nếu kéo dài thời gian, nạn nhân lả đi, việc phối hợp lực lượng bên trên sẽ khó khăn hơn dù thực hiện phương án giải cứu nào.

Sau khi hướng dẫn bé gái luồn dây vào nách bên trái, hai tay bám chặt không để đai siết cổ, đại úy Hổ phát lệnh để 4 chiến sĩ kéo lên. Những guồng tay thoăn thoắt của chiến sĩ kéo nạn nhân lên trong 7 giây theo phương thẳng đứng. “Lúc kéo lên miệng hố, bé gái mệt đã thiếp đi, nhưng sau đó òa khóc khiến ai cũng hạnh phúc”, một chiến sĩ tham gia cứu hộ cho biết.

Công trường nơi xảy ra sự cố bé gái rơi xuống hố sâu cọc nhồi bêtông. Ảnh: Phước Tuấn

Công trường nơi xảy ra sự cố bé gái rơi xuống hố sâu cọc nhồi bêtông. Ảnh: Phước Tuấn

Anh Hổ cho biết trước giờ đội chưa thực hiện nhiệm vụ giải cứu như vậy. Tuy nhiên, các thành viên từng xem một số cuộc giải tương tự và được huấn luyện về kỹ năng. “May mắn là lỗ cọc nhồi vừa thân hình khiến bé gái không rơi tự do dẫn tới chấn thương nặng”, người tổ trưởng nói, cho biết công tác cứu hộ thành công ngoài lựa chọn phương án phù hợp, một phần nhờ phối hợp nhịp nhàng, tâm lý bình tĩnh của nạn nhân. Quá trình cứu diễn ra chừng 20 phút.

Cha của cháu bé kể Tuyền bị rớt xuống hố khi đang nô đùa, đi lùi phía sau. Lúc hụt chân em cố dùng tay bám vào ống bêtông nhưng không níu được. Về phía chủ đầu tư dự án, sau khi sự cố xảy ra, đã cho lấp hố sâu, rà soát và rào chắn các vị trí nguy hiểm ở công trình nhằm đảm bảo an toàn.

Theo Phước Tuấn/vnexpress.net

Có thể bạn quan tâm

Ông Trần Quí Thanh nộp hơn 183 tỉ đồng dù phủ nhận cáo buộc chiếm đoạt tài sản

Sau 7 tháng bị bắt tạm giam, cha con ông Trần Quí Thanh đã nộp …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *