Cụ thể, tổng quy mô các gói và kế hoạch cứu trợ lên đến 440 tỉ euro (465 tỉ USD), tương đương 1,5 tỉ euro/ngày kể từ khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra, bằng 12% sản lượng kinh tế Đức.
Theo học giả Michael Groemling (Viện Nghiên cứu kinh tế Đức): “Mức độ nghiêm trọng lẫn thời gian khủng hoảng năng lượng kéo dài phụ thuộc vào việc khủng hoảng diễn biến ra sao. Toàn bộ nền kinh tế quốc gia đang phải đối mặt với mất mát lớn”.
Cuộc chiến tại Ukraine cùng loạt trừng phạt của phương Tây với Nga khiến châu Âu chìm vào khủng hoảng năng lượng chưa từng thấy. Đức – quốc gia phụ thuộc nhiều vào khí đốt Nga – đối mặt với nguy cơ phải phân phối năng lượng trong mùa đông lạnh giá lần đầu tiên sau nửa thế kỷ.
Berlin tìm đến thị trường năng lượng giao ngay đắt đỏ hơn để thay thế một phần nguồn cung Nga mất đi, nhưng làm vậy đẩy lạm phát lên mức hai con số. Nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi sang khí đốt hóa lỏng (LNG) và năng lượng tái tạo mất nhiều năm mới đạt mục tiêu.
Phó chủ tịch Viện nghiên cứu Kinh tế thế giới Kiel Stefan Kooths nhận định: “Nền kinh tế Đức đang trong giai đoạn rất quan trọng vì tương lai nguồn cung năng lượng bất định hơn bao giờ hết. Nếu nhìn vào lạm phát thì kinh tế Đức đang “sốt cao”.
Bộ Tài chính Đức từ chối xác nhận số tiền mà Reuters đưa ra. Bộ Kinh tế Đức tuyên bố đang tiếp tục đa dạng nguồn cung với LNG là phần quan trọng.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) từng cảnh báo năng lượng đắt hơn sẽ gây thiệt hại lớn cho Đức – nền kinh tế G7 bị thu hẹp mạnh nhất năm tới. Viện Nghiên cứu kinh tế thế giới Kiel ước tính kim ngạch nhập khẩu năng lượng của Đức tăng vọt từ 7 tỉ euro năm 2020 và 2021 lên 124 tỉ euro năm nay và năm tới.
Hiệp hội Công nghiệp hóa chất Đức (VCI) xác định ngành này chịu thiệt hại nhiều nhất vì chi phí điện tăng cao: sản lượng năm 2022 dự kiến giảm 8,5%. Nền công nghiệp quốc gia sắp phải hứng chịu sự phá vỡ cơ cấu lớn.
Chi tiền nhiều nhưng chưa chắc đủ năng lượng
Cứu trợ năng lượng 440 tỉ euro gần bằng khoản tiền 480 tỉ euro Đức chi từ năm 2020 để giảm thiểu tác động kinh tế gây ra bởi đại dịch COVID-19.
Nhưng bất chấp khoản cứu trợ lớn, Đức chưa chắc thay thế được nguồn cung Nga. Năm ngoái nước này nhập khoảng 58 tỉ mét khối (bcm) khí đốt từ Nga, chiếm khoảng 17% tổng mức tiêu thụ.
Đức muốn tỷ trọng năng lượng tái tạo trong sản lượng điện tăng từ 42% năm 2021 lên ít nhất 80% năm 2030. Với tốc độ mở rộng hiện tại thì đây là mục tiêu xa vời.
Năm 2021 nước này chỉ bổ sung 5,6 gigawatt công suất điện mặt trời và 1,7 gigawatt công suất điện gió trên bờ. Để đạt mục tiêu họ cần tăng công suất điện gió trên bờ lên gấp 6 lần – đạt 10 gigawatt hằng năm, tăng công suất điện mặt trời lên gấp 4 lần – đạt 22 gigawatt/năm.
Chuyên gia chính sách Susi Dennison (Hội đồng Đối ngoại châu Âu – ECFR) nhận xét Đức hiện chỉ tập trung thay thế nguồn cung Nga bằng hàng trên thị trường giao ngay chứ chưa chú trọng chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
Ngay cả với LNG, Đức cũng còn chặng đường dài. Do lâu nay phụ thuộc khí đốt Nga nên giờ đây mới bắt đầu xây dựng hạ tầng phục vụ nhập khẩu LNG.
Đức có kế hoạch dựa vào 6 cảng nổi để đa dạng nguồn cung khí đốt. Dự kiến 3 cảng sẽ đi vào hoạt động trong mùa đông năm nay, số còn lại được triển khai vào năm sau nâng tổng công suất lên ít nhất 29,5 bcm/năm.
Dữ liệu từ ECFR cho thấy Đức hiện chỉ mới ký 2 hợp đồng mua LNG dài hạn kể từ khi hoàn toàn ngừng nhập khí đốt Nga, cùng vài hợp đồng ngắn hạn cho 2 mùa đông tới.
Theo nhà phân tích Giovanni Sgaravatti (tổ chức Bruegel): “Tôi nghĩ Đức đang làm tất cả những gì có thể. Ở thị trường LNG họ phải bắt đầu từ đầu, một điều chẳng hề dễ dàng”.
Theo