Việt Nam mới có khoảng 25% tòa nhà văn phòng có chứng nhận xanh cấp độ 1,2 trong khi một số nước lân cận có thể đến 70%.
Nghiên cứu được Knight Frank cho biết số tòa nhà văn phòng đạt chứng nhận xanh hạng 1 và hạng 2 tại Việt Nam lần lượt chỉ chiếm 9% và 16,6%. Tức tổng cộng chỉ 25,6% tòa nhà có chứng nhận xanh hai cấp độ này trong toàn thị thị trường tòa nhà văn phòng, so với 87,2% của Singapore, 72% của Australia, 38% của riêng Kuala Lumpur (Malaysia).
Có khoảng 6 loại chứng nhận công trình xanh phổ biến. Tuy nhiên, chủ đầu tư Việt Nam có xu hướng chuộng chứng nhận LEED và Green Mark cho các tòa nhà văn phòng Hạng A và B. Riêng tại TP HCM, đã có 7 tòa nhà đạt chứng nhận LEED và 2 tòa nhà đạt chứng nhận Green Mark. Hà Nội có 3 tòa nhà đạt chuẩn LEED.
TP HCM và Hà Nội vẫn còn cách khá xa so với Bangkok, nơi có tới 25 tòa nhà văn phòng được chứng nhận LEED cùng với 5 tòa nhà được TREES (Xếp hạng Năng lượng và Bền vững Môi trường của Thái Lan) công nhận.
Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Energies vào tháng 10/2022, công trình xanh tiết kiệm 20-30% nước và 40-50% năng lượng so với các tòa nhà bình thường. Các tòa nhà chứng nhận LEED tạo ra ít CO2 hơn 34%, sử dụng năng lượng và nước ít hơn lần lượt 25% và 11%.
Dù còn ít nhưng số tòa nhà văn phòng xanh ở Việt Nam đang cải thiện. Gần đây, tòa nhà Mê Linh Point (quận 1) sau khi được nâng cấp đã đạt chứng nhận Green Mark Platinum của Cơ quan Quản lý Xây dựng & Nhà ở Singapore.
Tại TP HCM, trong tổng số 9 tòa nhà văn phòng hạng A và B được xây dựng từ nay đến năm 2024 (tổng diện tích thuê khoảng 318.771 m2), sẽ có 5 tòa nhà được cấp chứng nhận xanh, với tổng diện tích thuê khoảng 214.151 m2.
Thị trường tòa nhà văn phòng xanh còn khiêm tốn nhưng đang có nhiều cơ hội. Ông Alex Crane, Giám đốc Điều hành Knight Frank Việt Nam, cho biết khách thuê đa quốc gia có yêu cầu cao về chứng nhận môi trường sẽ là yếu tố thúc đẩy chủ chốt khiến các chủ đầu tư thay đổi và tiếp nhận, nắm bắt làn sóng xanh hóa.
“Trong tương lai, các tòa nhà muốn được xét duyệt lên hạng A sẽ cần có chứng nhận xanh, bởi lẽ khách thuê ngày càng quan tâm đến điểm xếp hạng nhằm đáp ứng yêu cầu các sáng kiến bền vững và phục vụ mục tiêu giảm phát thải carbon của họ”, ông Crane nói thêm.
Theo công ty tư vấn xây dựng GreenViet, chi phí đầu tư ban đầu cho một tòa nhà xanh thường cao hơn khoảng 2-5% so với các dự án tương đương. Nhưng trong 5 năm sau khi vận hành, tòa nhà xanh sẽ thu hồi được phần chi phí phụ trội này.
Kết quả nghiên cứu của Knight Frank trong quý III cũng cho thấy các tòa nhà văn phòng xanh ở trung tâm thành phố có giá thuê cao hơn 16% so với các tòa nhà không đạt chứng nhận xanh cùng khu vực.
Văn phòng xanh cũng có cơ hội hơn để thu hút vốn hơn thời gian tới. Báo cáo “Triển vọng Đầu tư Toàn cầu 2023” do Colliers vừa công bố cho biết các tiêu chí về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong quá trình ra quyết định của nhà đầu tư tại châu Á – Thái Bình Dương.
Tại khu vực này, hai phần ba (66%) nhà đầu tư bắt đầu hoặc đã lồng ghép các hành động liên quan đến tiêu chí môi trường đối với tài sản của họ. Ví dụ chiến lược cải thiện vốn, thanh lý hoặc mua lại có kết hợp các tiêu chí ESG, so với 75% nhà đầu tư trên toàn cầu.
Ông John Marasco, Giám đốc Điều hành Thị trường Vốn & Dịch vụ Đầu tư của Colliers cho biết, để đáp ứng sở thích của người thuê, các yêu cầu pháp lý ngày càng tăng và chi phí vận hành tài sản ngày càng cao, các nhà đầu tư đang xem xét lại giá trị và chú trọng hơn vào một loạt các yếu tố ESG.
“Có cả kỳ vọng và bằng chứng rõ ràng hơn rằng những tài sản có tính bền vững sở hữu ưu thế giá trị cao hơn và những tài sản không có sẽ bị giảm giá trị mạnh. Thị trường có thể sẽ chứng kiến một số dịch chuyển trong phân bổ tổng vốn, về mặt tái cấp vốn, trang bị thêm tài sản, xây dựng mới hoặc thoái vốn”, vị chuyên gia nói.
Theo Viễn Thông/Vnexpress.net