Bầu Đức dẫn cổ đông đi thực địa trồng chuối, nuôi heo

Ông Đoàn Nguyên Đức dành 3 ngày dẫn các cổ đông nắm chỉ từ 500.000 cổ phiếu HAG đi “kiểm tra” khu trồng chuối, nuôi heo ở Việt Nam, Lào, Campuchia.

Cuối tuần này, 40 cổ đông sở hữu 500.000 cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai được ông Đoàn Nguyên Đức dẫn đi thực địa cùng lúc 3 nước Đông Dương. Ông tự mình lái xe dẫn cả đoàn vào từng khu trồng chuối không chỉ ở Việt Nam mà cả tại Lào và Campuchia. Ở những nơi này, ông cũng thuộc từng ngõ ngách, đường đi của các lô chuối.

“Tôi không biết đầu tư chứng khoán, thỉnh thoảng chỉ xem bảng điện để thấy giá cổ phiếu HAG thế nào. Nhưng khi nó xuống mức dưới 6.000 đồng, tôi xót cho cổ đông nên quyết định soạn thư mời họ đi thực địa”, bầu Đức giải thích về ý tưởng mời cổ đông đi thực địa.

Giá cổ phiếu HAG lao dốc 60% chỉ trong 2 tháng vì tâm lý thị trường chung, các tin bắt lãnh đạo doanh nghiệp khiến nhà đầu tư hoang mang. Ngoài ra, hàng loạt tin đồn không đúng sự thật về ông Đức nên để cổ phiếu về đúng giá trị thực, ông nói sẽ công khai mọi hoạt động kinh doanh. Lần này, ông mời không chỉ cổ đông lớn mà mở rộng với cả những người chỉ sở hữu từ 500.000 cổ phiếu tham dự.

Bầu Đức chia sẻ với cổ đông về quy trình sản xuất bột chuối tại nhà máy ở Gia Lai chiều 8/12. Ảnh: Thi Hà

Bầu Đức chia sẻ với cổ đông về quy trình sản xuất bột chuối tại nhà máy ở Gia Lai chiều 8/12. Ảnh: Thi Hà

Ông Nguyễn Ngọc Minh, người đang nắm trên một triệu cổ phiếu HAG, chia sẻ thấy cảm phục nghị lực của Bầu Đức khi đặt chân tới từng khu trồng chuối, nuôi heo, gà. Ông đã gầy dựng được hàng nghìn ha chuối và các cụm nuôi heo với tổng quy mô 300.000 con một năm chỉ trong 18 tháng.

Nói với các cổ đông đi cùng, ông Đức giải thích cơ ngơi này chỉ gầy dựng trong chưa đầy 2 năm nhưng nhờ quay vòng vốn tốt, hoạt động trồng chuối nuôi heo cho dòng tiền nhanh, HAG đang có bức tranh kinh doanh sáng sủa trở lại.

“Tôi biết nhiều người vẫn hoài nghi và có cái nhìn tiêu cực về HAG nhưng tôi tin chuyến thực địa lần này cổ đông sẽ giải tỏa những hoang mang”, ông nói.

Một cổ đông trong đoàn nắm cổ phiếu HAG 5 năm qua thừa nhận chưa bao giờ chia sẻ với bạn bè về việc nắm giữ cổ phiếu này, vì “không muốn tranh cãi nhiều” khi không ít hoài nghi về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Xưởng sản xuất chuối xuất đi Nhật của Hoàng Anh Gia Lai tại Lào. Ảnh: Thi Hà

Xưởng sản xuất chuối xuất đi Nhật của Hoàng Anh Gia Lai tại Lào. Ảnh: Thi Hà

Dù cảm phục về khả năng vực dậy HAG của bầu Đức, nhiều cổ đông vẫn lo ngại nước thải từ nuôi heo ảnh hưởng tới môi trường, hay dòng tiền hoạt động kinh doanh “không thật”. Đáp lại thắc mắc này, bầu Đức dẫn họ tới khu xử lý nước thải tuần hoàn khép kín. Toàn bộ nước thải từ chuồng trại được xử lý 3 lần sau đó dùng để tưới nước và bón phân cho chuối.

“Lúc đầu tôi lo chất thải ảnh hưởng môi trường nhưng khi biết bầu Đức chọn cách xử lý theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn, tôi thấy hợp lý”, ông Lê Anh Tuấn, người sở hữu 500.000 cổ phiếu HAG bộc bạch.

Riêng với vấn đề dòng tiền trong hoạt động kinh doanh, bầu Đức cho biết mỗi lần hàng xuất đi là tiền về tài khoản để doanh nghiệp quay đầu dòng vốn kinh doanh và trả lương nhân viên.

Theo báo cáo vừa công bố của Hoàng Anh Gia Lai, 11 tháng, doanh thu đạt 4.100 tỷ đồng và 1.115 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, đạt 99% kế hoạch năm. Bầu Đức kỳ vọng bước sang giữa tháng 12, giá chuối sẽ tiếp tục tăng, đồng USD đi lên giúp Hoàng Anh Gia Lai có thêm nhiều khoản lợi nhuận kép.

Với thị trường xuất khẩu, nhiều cổ đông cho rằng Hoàng Anh Gia Lai nên xuất thêm chuối sang Australia, châu Âu để có giá trị cao hơn. Ngược lại, bầu Đức cho rằng nên tận dụng thị trường tỷ dân là Trung Quốc vì sức tiêu thụ lớn, giá tốt, chi phí vận chuyển logistics thấp.

Trung Quốc cũng vừa mở cửa sầu riêng Việt Nam đã được tiêu thụ mạnh. Với Hoàng Anh Gia Lai, dự kiến sầu riêng sẽ xuất khẩu từ quý IV/2023. Đây là loại trái cây đã trồng từ năm 2018, tháng 7 cho trái bói (lứa trái đầu tiên) với số lượng 100 tấn. Sầu riêng kỳ vọng sẽ cho lợi nhuận lớn, nếu phát triển ổn định có thể ngang mảng heo trong tương lai gần do biên lợi nhuận của sầu riêng cao.

Bầu Đức bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực nông nghiệp từ cuối năm 2012 với cao su và cây tràm. Sau khi thất bại với cây trồng trên ông đã chuyển sang trồng ớt đến mít, chanh dây, thanh long…, lấy cây này nuôi cây kia nhưng cũng chưa đạt kết quả như mong đợi. Mãi đến năm 2020, khi tìm được 2 trụ cột chính trong nông nghiệp là trồng chuối, nuôi heo, Hoàng Anh Gia Lai bắt đầu có lãi trở lại. Với biểu đồ kinh doanh tươi sáng, hồi tháng 9, bầu Đức từng chia sẻ đã thoát cửa tử.

Về kế hoạch mở rộng sản xuất trong 2023, theo bầu Đức, công ty vẫn thiếu nguồn vốn. Nếu chưa thể phát hành cổ phiếu, ông vẫn quyết tâm xoay xởđể đạt được sản lượng 700.000 con heo một năm. Trong đó, công ty dự kiến mở cụm chuồng heo tại Campuchia. Hiện giá heo tại thị trường này luôn cao hơn Việt Nam 40%.

Doanh nhân này cho biết, năm sau công ty sẽ cung ứng ra thị trường thêm 10 triệu con gà và 100.000 con bò Lào. Hiện, Hoàng Anh Gia Lai có 10 cụm chuồng trại chăn nuôi heo, trong đó có 9 cụm ở Gia Lai, 1 cụm tại Campuchia.

Sắp tới, công ty mở rộng thêm 6 cụm chăn nuôi heo tại Gia Lai. Các cụm chăn nuôi mới này đã được cấp giấy phép và san lấp mặt bằng. Ngoài ra, Hoàng Anh Gia Lai đang có 1.000 ha sầu riêng tại Lào và Việt Nam.

Hoàng Anh Gia Lai cũng vừa xin thêm được 4.000 ha đất tại Lào. Diện tích này, bầu Đức cho rằng sẽ mở rộng trồng chuối để gia tăng xuất khẩu và có nguyên liệu chế biến bột chuối cho heo. Tính tới cuối tháng 11, công ty đã có 5 nhà máy chế biến bột chuối với công suất chế biến 600 tấn chuối tươi một ngày.

Theo Thi Hà/vnexpress.net

Có thể bạn quan tâm

Công ty của Trấn Thành thu 10 đồng lãi ròng 7 đồng, siêu lợi nhuận với loạt “bom tấn” phòng vé Việt như MAI, Nhà Bà Nữ, Bố Già,…

Theo công bố của nhà sản xuất, Phim MAI hiện đã đem về hơn 381 …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *