Thành tỷ phú ở tuổi 26 sau 5 năm khởi nghiệp

Riku Tazumi thành lập Anycolor khi còn là sinh viên đại học và cổ phiếu của công ty này tăng gấp 8 lần từ khi lên sàn vào tháng 6, biến anh thành tỷ phú ở tuổi 26.

Cổ phiếu công ty dịch vụ giải trí Anycolor Inc. tăng gấp 8 lần từ khi niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Tokyo vào tháng 6, trở thành một trong những cổ phiếu hoạt động tốt nhất thị trường. Điều này khiến định giá công ty tăng lên mốc 370 tỷ yên (2,5 tỷ USD). Nhà sáng lập Riku Tazumi (26 tuổi) hiện nắm giữ 45% cổ phần công ty, tương đương 1,1 tỷ USD, trở thành một trong những tỷ phú trẻ nhất Nhật Bản.

Thành tích xuất sắc của Anycolor trở nên nổi bật năm nay khi các nhà đầu tư toàn cầu tránh xa những công ty đốt tiền để đạt tốc độ tăng trưởng cao. Màn ra mắt hiệu quả của Anycolor cho thấy sự tin tưởng của thị trường vào khả năng kiếm tiền từ văn hóa anime và thần tượng ảo. Anycolor hiện quản lý khoảng 140 người sáng tạo nội dung, mỗi người nắm giữ một nhân vật hoạt hình khác nhau trên kênh YouTube.


Tỷ phú Riku Tazumi – nhà sáng lập công ty Anycolor. Ảnh: Anycolor

Điểm thu hút của Anycolor với các nhà đầu tư là tiềm năng mở rộng ra nước ngoài, không giống các công ty quản lý tài năng truyền thống như Johnny & Associates. Johnny ổn định với các nhóm nhạc thần tượng, bao gồm Arashi và Snow Man, có lượng người hâm mộ khổng lồ ở Nhật Bản nhưng ít tầm ảnh hưởng ở thị trường nước ngoài. Trong khi đó, các nhân vật hoạt hình được yêu thích toàn cầu.

Trong lần công bố thu nhập đầu tiên tháng trước, Anycolor báo cáo lợi nhuận hoạt động tăng gần gấp ba lần, lên 2,1 tỷ yên trong ba tháng tính đến tháng 7/2022 so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu dịch vụ toàn cầu dịch vụ tiếng Anh – được người xem trong và ngoài nước sử dụng – tăng gấp đôi, lên khoảng 1,6 tỷ yên so với quý trước. Cổ phiếu Anycolor tăng 46% trong ba ngày sau đó.

“Đã có một bước nhảy vọt trong doanh số kinh doanh toàn cầu của công ty. Mọi người nghĩ rằng công ty này đang có tiềm năng phát triển lớn mạnh và đổ xô mua cổ phiếu”, Tomoichiro Kubota, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Matsui Securities, nói.

Sự nổi tiếng của Anycolor được thúc đẩy bởi các nhân vật ảo trên YouTube (Virtual YouTube – VTubers) dưới tên thương hiệu Nijisanji. Những VTubers này thường chơi game trực tuyến và tích cực tương tác với những người xem chương trình phát trực tiếp.

Theo Kubota, không nhiều doanh nghiệp thành công trong việc kiếm tiền thông qua YouTube, nhưng những nhân vật ảo này cho phép Anycolor kiếm nguồn thu vượt xa doanh thu quảng cáo bằng cách bán sản phẩm cho người hâm mộ. Đồng thời, các VTubers cũng không yêu cầu chi phí cao để tổ chức các buổi hòa nhạc lớn hoặc biểu diễn trên các chương trình truyền hình như những ngôi sao ngoài đời thực.

Riku Tazumi thành lập Anycolor có trụ sở tại Tokyo năm 2017, khi vẫn còn là sinh viên đại học. Trên website công ty, Tazumi nói muốn sử dụng anime làm cánh cổng tạo ra một công ty giải trí thế hệ tiếp theo không bị “ràng buộc bởi khuôn khổ truyền thống của ngành”.

“Trường hợp này cũng giống như Tesla khi luôn có những lời bàn tán về việc cổ phiếu bị định giá quá cao. Nhưng các nhà đầu tư là những người muốn đặt cược vào tương lai và có một số kỳ vọng cao ở công ty này”, Masahiro Hasegawa, một nhà phân tích tại công ty nghiên cứu Humanmedia ở Tokyo, nói.

Theo Sơn Nam (Theo Bloomberg)/ngoisao.vnexpress.net

Có thể bạn quan tâm

Công ty của Trấn Thành thu 10 đồng lãi ròng 7 đồng, siêu lợi nhuận với loạt “bom tấn” phòng vé Việt như MAI, Nhà Bà Nữ, Bố Già,…

Theo công bố của nhà sản xuất, Phim MAI hiện đã đem về hơn 381 …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *