Bão Nesat cấp 11 vào Biển Đông

Chiều 16/10, bão Nesat với sức gió mạnh 117 km/h, cấp 11, giật cấp 13 vào Biển Đông, trở thành cơn bão thứ 6 trên khu vực này.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, lúc 16h, bão Nesat cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 950 km về phía đông đông bắc và đang di chuyển hướng tây tây bắc với tốc độ 15-20 km/h.

Đến 16h ngày mai, bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 630 km về phía đông bắc, sức gió mạnh nhất cấp 12, giật cấp 15. Bão sau đó đi theo hướng tây với tốc độ 15 km/h và có khả năng mạnh thêm.

16h ngày 18/10, bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 270 km về phía đông bắc, sức gió mạnh nhất cấp 12-13, giật cấp 16. Tiếp đó, bão dự kiến theo hướng tây tây nam với tốc độ 15 km/h và tiếp tục có khả năng mạnh thêm.

Dự kiến hướng đi của bão Nesat lúc 16h ngày 16/10. Ảnh: Tổng cục Phòng chống thiên tai

Do tác độ của bão, trong 24-48 giờ tới, khu vực bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa bão, khả năng có gió mạnh cấp 9-10, sau tăng lên cấp 11-13, giật cấp 15. Sóng biển cao 5-7 m, vùng gần tâm bão 8-10 m. Khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía bắc quần đảo Trường Sa) có mưa rào và giông mạnh; gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, cho biết bão Nesat khi vào Biển Đông gặp vùng biển thoáng, không gặp ma sát địa hình nên cường độ gần như giữ nguyên và mạnh thêm. Hiện, có những đợt không khí lạnh mạnh di chuyển xuống, tương tác của không khí lạnh và bão sẽ làm cho hoàn lưu và cường độ có sự thay đổi.

Trong quá khứ, phần lớn các cơn bão khi có sự tương tác với không khí lạnh sẽ có xu hướng yếu đi, song vẫn có trường hợp không khí lạnh không đủ mạnh nên bão yếu đi không nhiều. Ông Hưởng nói, sẽ có ba kịch bản hướng đi và đổ bộ của bão Nesat.

Kịch bản thứ nhất với xác suất xảy ra cao nhất (khoảng 50-60%) là bão tương tác với không khí lạnh, suy yếu trước khi đi vào vùng biển Trung Bộ, trở thành vùng áp thấp hoặc áp thấp nhiệt đới khi vào đất liền.

Kịch bản thứ hai có nguy cơ ảnh hưởng lớn hơn, khi bão di chuyển đến khu vực phía nam đảo Hải Nam (Trung Quốc) tương tác với không khí lạnh yếu, di chuyển thẳng vào miền Trung, cường độ không giảm nhiều, còn ở mức cấp 9-10.

Kịch bản thứ ba là khi bão di chuyển đến khu vực phía nam đảo Hải Nam (Trung Quốc) tương tác với không khí lạnh có cường độ mạnh, lúc này bão sẽ yếu đi và tan nhanh trước khi vào đất liền.

Đài khí tượng Nhật Bản dự báo bão hướng vào các tỉnh trung Trung Bộ, khi đến gần bờ vòng ngược lên các tỉnh bắc Trung Bộ; bão đạt cực đại ngày 18/10 với sức gió mạnh nhất 145 km/h. Đài Hong Kong có cùng dự báo hướng đi và tốc độ.

Chiều nay, Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống thiên tai và Cứu hộ cứu nạn có công điện yêu cầu các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hoà theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, kiểm đếm tàu thuyền, lồng bè; sẵn sàng các phương án cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết để đảm bảo an toàn về người và tài sản cho nhân dân.

Trong hơn 20 ngày qua, Biển Đông đã có ba cơn bão hình thành và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền các tỉnh miền Trung, gồm Noru, Sơn Ca và Nesat. Gần nhất, bão Sơn Ca đổ bộ các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam gây mưa lớn và ngập úng trên diện rộng.

Dự báo xa từ nay đến tháng 1/2023, Biển Đông có khoảng 3-5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó 2-3 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam, tập trung ở Trung Bộ và Nam Bộ.

Theo Gia Chính/Vnexpress.net

Có thể bạn quan tâm

Ông Trần Quí Thanh nộp hơn 183 tỉ đồng dù phủ nhận cáo buộc chiếm đoạt tài sản

Sau 7 tháng bị bắt tạm giam, cha con ông Trần Quí Thanh đã nộp …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *