Ba ngày nay, hàng chục tấn ngao giấy chết trôi dạt vào ven biển xã Giao Hải, huyện Giao Thủy, chưa rõ nguyên nhân.
Đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giao Thủy cho hay, hiện tượng ngao chết dạt vào bờ biển xã Giao Hải ghi nhận từ tối 28/9, hơn nửa ngày sau khi bão Noru đổ bộ Đà Nẵng – Quảng Nam.
Xác ngao chết chất đống bờ biển. Ảnh: Lam Sơn
Anh Nguyễn Đình Thanh, ở xã Giao Hải, cho biết ngao chết chất thành đống lớn, có những vệt xác ngao kéo dài cả km. Một số ít con cỡ lớn còn giá trị sử dụng, người dân nhặt về làm thức ăn.
Chính quyền địa phương ước tính 30 tấn ngao dạt vào bờ. Đây không phải là ngao nuôi bản địa mà có thể do ảnh hưởng của mưa bão, nước biển thay đổi độ mặn nên ngao từ nơi khác chết và theo sóng trôi vào bờ.
Ngày 30/9, Chi cục Thủy sản tỉnh Nam Định đang cử đoàn công tác phối hợp với UBND huyện Giao Thủy kiểm tra thực tế, xác định nguyên nhân.
Trước đó đầu tháng 8, nhà chức trách Thanh Hóa ghi nhận hiện tượng ngao giấy tự nhiên chết chất đống trôi dạt vào bờ biển xã Hải Lĩnh, thị xã Nghi Sơn, kéo dài 3 km.
Một số người dân xã Giao Hải ra bờ biển mót những con ngao còn sống. Ảnh: Lam Sơn
Ngao giấy hay còn gọi là ngao bọng, là loài nhuyễn thể vỏ màu tím, mỏng hơn ngao mật hoặc ngao trắng, thuộc họ Veneridae, chuyên sống vùng nước ven biển có độ mặn cao, nhiều đất cát sỏi. Ở Việt Nam, ngao giấy sống ở vùng biển các tỉnh thành Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…
Ngao giấy chứa hàm lượng vitamin và canxi cao, có thể chế biến thành nhiều món ngon như hấp sả, nướng hành, nấu canh…
Theo Lam Sơn – Thành Nam/vnexpress.net