Phim điện ảnh “Công tử Bạc Liêu” – nhân vật nổi tiếng với giai thoại “đốt tiền tìm hoa tai cho người đẹp” – chuẩn bị khởi động.
Êkíp tung poster đầu tiên theo phong cách đồ họa 3D, tái hiện hình ảnh nhân vật công tử Bạc Liêu sánh vai cùng hai người đẹp. Tác phẩm lấy bối cảnh cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, xoay quanh cậu Ba Huy (Trần Trinh Huy) – thiếu gia nổi tiếng miền Nam – cùng các mỹ nhân đương thời. Phim do Lý Minh Thắng – đạo diễn Mẹ chồng, Sài Gòn anh yêu em – thực hiện, sắp tuyển diễn viên tại TP HCM vào ngày 17-18/9, dự kiến ra rạp năm 2023.
Poster phim “Công tử Bạc Liêu”. Ảnh: Pink Film Studio
Đại diện nhà sản xuất Pink Film Studio cho biết lên kế hoạch làm phim vì con người, vùng đất miền Nam xưa vốn là chất liệu đặc sắc nhưng chưa được điện ảnh trong nước khai thác sâu. Kịch bản tái hiện những giai thoại nổi tiếng về Ba Huy, như những lần dùng tiền nấu trứng, đốt tiền tìm hoa tai cho người đẹp… Đạo diễn nói: “Nhiều hành động của ông, nếu ở thời hiện đại, vẫn có thể khiến người xem ngạc nhiên vì sự táo bạo”.
Theo nhà sản xuất, dự án được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu cấp phép quay hình nhằm góp phần quảng bá dấu ấn văn hóa địa phương. Phim được bấm máy tại một số di tích, thắng cảnh nổi tiếng của địa phương, như Nhà Công tử Bạc Liêu, Nhà hát Cao Văn Lầu (thành phố Bạc Liêu), cánh đồng muối huyện Đông Hải… Đơn vị cũng đăng ký bản quyền tên phim Công tử Bạc Liêu với Cục Sở hữu Trí tuệ.
Công tử Bạc Liêu – tên thật là Trần Trinh Huy (1900 – 1974) – nổi tiếng vào đầu thế kỷ 20 bởi lối ăn chơi phóng khoáng. Theo tư liệu xưa, cha ông – Trần Trinh Trạch – phất lên nhờ được nhà vợ chia cho ruộng đất, về sau cho vay nặng lãi, mua nhiều ruộng tốt. Thời đó, dân gian có câu “Nhất Sỹ, Nhì Phương, Tam Xường, Tứ Trạch” để chỉ bốn đại điền chủ giàu có nhất miền Nam. Ngoài vua Bảo Đại, Ba Huy là người sở hữu máy bay tư nhân đầu tiên ở Việt Nam. Một trong những giai thoại nổi tiếng về công tử Bạc Liêu là việc ông đốt tờ tiền 100 đồng để tìm chiếc bông tai cho cố nghệ sĩ Phùng Há. Ông được cha cưng chiều, mua ca nô, máy bay để đi làm ăn, thu nợ, thăm ruộng lúa, ruộng muối…
Chân dung ông Trần Trinh Huy – công tử Bạc Liêu một thời. Ảnh tư liệu
Sau khi ông qua đời, dòng họ ông bắt đầu gặp khó khăn về kinh tế. Nhà Công tử Bạc Liêu hiện được bảo tồn khá nguyên vẹn, là điểm đến hấp dẫn của Bạc Liêu. Hầu hết con cháu của công tử Bạc Liêu sống ở nước ngoài, riêng ông Trần Trinh Đức – con trai – từng sống cách nhà cha ba km, thường giao lưu, ký sách với du khách về cuộc đời của cha. Ông Đức qua đời ở tuổi 76, hồi tháng 6, tại Bạc Liêu.
Theo Mai nhật/Vnexpress.net