Mỹ – quốc gia hàng thập kỷ nay vẫn ủng hộ thương mại tự do đã đi theo hướng ngược lại và nhường vị trí lãnh đạo cho châu Á.
11 quốc gia trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) – phiên bản TPP không có Mỹ, giữa 11 nước thành viên còn lại đã ký hiệp định thương mại tự do quan trọng nhất trong 25 năm qua. Việc này càng đáng chú ý trong bối cảnh Tổng thống Mỹ – Donald Trump khiến thị trường toàn cầu bất ổn nhiều ngày qua, vì muốn áp thuế nhập khẩu nhôm, thép, làm tăng nguy cơ chiến tranh thương mại.
“Việc này cho thấy thế giới của chúng ta đang đảo lộn đến thế nào. Mỹ – nước thúc đẩy sáng kiến TPP từ những ngày đầu tiên – lại rút lui và đi theo một hướng hoàn toàn trái ngược”, Deborah Elms – Giám đốc Trung tâm Thương mại châu Á tại Singapore cho biết, “Mỹ đã nhường lại vị trí lãnh đạo về thương mại cho châu Á”.
TPP bị đẩy đến bờ vực sụp đổ là một cú sốc với Việt Nam – quốc gia được đánh giá hưởng lợi lớn nhất từ hiệp định này. Việt Nam đã kỳ vọng tăng đáng kể xuất khẩu quần áo, giày dép và nông phẩm, thủy hải sản sang Mỹ – thị trường xuất khẩu lớn nhất hiện tại, cũng như sang Canada, Mexico và các nước khác trong hiệp định. Dù vậy, giới phân tích cho rằng thỏa thuận mới vẫn có khả năng giúp Việt Nam đẩy cao tốc độ phát triển kinh tế.
Cũng như nhiều công ty thủy sản khác ở Việt Nam, Hùng Vương – doanh nghiệp của “vua cá tra” Dương Ngọc Minh từng rất kỳ vọng vào Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), coi đây là cách thâm nhập sâu hơn vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Mỹ – Donald Trump rút khỏi hiệp định này đầu năm ngoái, ông buộc phải điều chỉnh lại kỳ vọng của mình.
Dù Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu “lớn và quan trọng” với công ty và cả Việt Nam, ông Minh cho biết duy trì hoạt động kinh doanh ở mức hiện tại cũng là một thách thức, trong bối cảnh Mỹ theo đuổi chính sách “Nước Mỹ trên hết”.
Dù vậy, kể cả khi không có sự tham gia của Mỹ, ông Minh cho biết công ty vẫn sẽ hưởng lợi từ CPTPP. Năm ngoái, ông đã xuất khẩu được số hải sản trị giá 20 triệu USD sang Nhật, Canada và Australia. Ông kỳ vọng con số này sẽ tăng thêm 30% khi hiệp định được chính thức ký kết tại Santiago (Chile) hôm 8/3.
Nikkei cho rằng có lẽ điều quan trọng nhất với CPTPP không phải là chi tiết hiệp định, mà là việc các thành viên đã có thể đạt được một thỏa thuận mà không có Mỹ – quốc gia từ hàng thập kỷ nay vẫn là nước tiên phong ủng hộ thương mại tự do. TPP có nguy cơ sụp đổ vì thiếu Mỹ, nhưng Nhật Bản và các nước khác đã không ngừng nỗ lực. Và sự thành công của họ đã khiến cả thế giới phải ngạc nhiên.
PTPP bao phủ 13,5% GDP toàn cầu với tổng 12.400 tỷ USD và 500 triệu dân. Dù những con số này khá lớn, nó vẫn chưa bằng nửa TPP (38,2%). Hiệp định TPP ban đầu được ký vào tháng 10/2015 với 12 thành viên, gồm Mỹ. Khi Mỹ rút, nó mất thế cân bằng cần thiết đã được xây dựng thận trọng dựa trên sự nhượng bộ lẫn nhau. Các nước còn lại không muốn ký tiếp TPP, vì thế, hiệp định cần đàm phán lại.
Các nước thành viên tại châu Á và châu Đại Dương muốn bỏ một số điều khoản mà Mỹ đã tích cực ủng hộ. Khi Mỹ rời đi, với các nước còn lại, họ không thấy có ý nghĩa gì khi phải tốn thêm chi phí để tuân theo các điều khoản đó, vì chúng chẳng giúp họ tăng tiếp cận thị trường Mỹ nữa.
11 nước sau đó đã tìm ra sự cân bằng mới. 20 điều khoản mà Mỹ thúc đẩy đã được “đóng băng” trong CPTPP.
Dĩ nhiên, điều này có nghĩa các quy tắc thương mại bị kéo lùi một chút. Tuy nhiên, điều quan trọng là họ vẫn duy trì các quy tắc đảm bảo tự do về hoạt động trong môi trường kỹ thuật số. Trong khi ông Trump kiên quyết bảo vệ các ngành công nghiệp từ thế kỷ 20, như thép và than đá, 11 nước CPTPP đã bảo vệ bộ quy tắc mới về sự tự do kỹ thuật số. Chúng có thể khuyến khích các công ty đa quốc gia thâm nhập các nền kinh tế châu Á đang phát triển. Những doanh nghiệp này còn có thể tăng tốc sử dụng big data để tạo đột phá trong công nghệ trí tuệ nhân tạo.
“Kể từ thời NAFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ), chúng ta vẫn chưa có một thỏa thuận nào quy mô lớn và toàn diện như TPP”, Elms nhận xét. “Một khi có hiệu lực, nó có thể thay đổi việc kinh doanh cho tất cả nước thành viên”.
Với Việt Nam, ngành dệt may được dự báo tăng trưởng 30% một năm nhờ cánh cửa vào Mỹ mở rộng, cao gấp vài lần tốc độ hiện tại (10-12%). Đưa sản phẩm sang các nước CPTPP vẫn sẽ giúp tăng xuất khẩu, nhưng không mạnh bằng.
Với ngành thủy hải sản của Việt Nam, tác động lớn nhất mà CPTPP mang lại có thể là cải thiện chất lượng. Cá xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là cá tra, thường xuyên bị châu Âu và Mỹ phàn nàn về an toàn thực phẩm và điều kiện nuôi.
CPTPP có thể giúp khắc phục điều này. Nhật Bản có thuế nhập khẩu khá cao với thủy hải sản. Điều này khiến các công ty có ít động lực đầu tư vào công nghệ để đảm bảo sản phẩm đánh bắt đáp ứng nhu cầu cao của Nhật. Tuy nhiên, “nếu thuế nhập khẩu về 0%, động lực này sẽ trở nên rất rõ ràng. Lợi ích khi có mặt tại thị trường Nhật Bản, với Việt Nam, sẽ là rất lớn”, Elms nhận định.
Một phần lý do khiến Việt Nam muốn hoàn tất đàm phán CPTPP là kỳ vọng Mỹ quay lại. Việc này không chỉ cải thiện xuất khẩu, mà còn giúp Việt Nam thắt chặt quan hệ với Mỹ – một đối trọng của Trung Quốc.
Việt Nam không phải quốc gia duy nhất trong CPTPP muốn Mỹ quay lại. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) hồi tháng 1, ông Trump tuyên bố có thể quay lại nếu đạt thỏa thuận tốt hơn. Quan điểm này gần đây cũng được Bộ trưởng Tài chính Mỹ – Steven Mnuchin nhắc lại. Các nghị sĩ Mỹ cũng đang bắt đầu gây sức ép, buộc chính quyền Tổng tống Trump cân nhắc lại quan điểm về thương mại, đặc biệt khi Mỹ đang tái đàm phán NAFTA.
“Quá trình này sẽ khá chậm chạp và đau đớn. Tuy nhiên, Washington đang ngày càng bàn bạc nhiều về phí tổn kinh tế nếu đứng ngoài TPP, đặc biệt khi các đối thủ chủ chốt đều gia nhập”, Elms cho biết.
CPTPP chưa chắc mang lại lợi ích kinh tế ngay cho các nước thành viên. Tuy nhiên, nó đã gửi đi tín hiệu rõ ràng rằng 11 nước châu Á và Mỹ Latin ủng hộ thương mại tự do, và nói không với “Nước Mỹ trên hết”.
Hà Thu Vnexpress (theo Nikkei)