Phúc Long là một tên tuổi lâu đời trong ngành trà – cà phê của Việt Nam – ra đời trong năm 1968 ở ‘xứ sở trà’ Bảo Lộc – Lâm Đồng. Tuy nhiên, phải đến năm 2012, họ mới bắt đầu nghĩ đến việc chế biến sâu thành thức uống trà sữa để bán cho khách hàng, thay vì chỉ bán nguyên liệu trà và cà phê như trước kia.
Mới đầu, Phúc Long chỉ mở 2 quán tọa lạc ở trung tâm quận 1 – TP.HCM và chỉ sau khi Starbuck bắt đầu vào Việt Nam, rồi trà sữa nổi lên như một thức uống hot-trend, doanh nghiệp này mới bắt đầu cấp tập mở cửa hàng. Kể từ năm 2019, dường như ông chủ của Phúc Long là Lâm Bội Minh đã có ý định sẽ bán thương hiệu mà mình dày công xây dựng – khi đột nhiên tăng tốc khác với sự thận trọng trước đó.
Trong năm 2019, Phúc Long ồ ạt khai trương gần 20 cửa hàng, để nâng tổng số cửa hàng có mặt trên toàn quốc lên con số 70. Trong năm 2020, dù Covid-19, song chuỗi F&B lâu đời này cũng đã cố mở rộng thị trường, khi khai trương thêm gần 10 quán mới nữa. Đầu năm 2021, họ lần đầu ra mắt concept mới kiểu kiosk và đã làm được 2 cái. Vào thời điểm 2/2021, Phúc Long có khoảng 80 cửa hàng và 2 kiosk bên trong các siêu thị VinMart (WinMart bây giờ).
Kể từ sau khi ông Lâm Bội Minh có ý định bán Phúc Long, thì đã có kha khá ‘ông lớn’ đến hỏi mua nhưng đều không thành, cho đến khi gặp Masan. Khi thấy Phúc Long tích hợp vào WinMart đầu 2021, mọi người đã đồn đoán rằng Phúc Long sẽ bắt tay cùng Masan.
Và tin đồn đã trở thành hiện thực khi vào tháng 5/2021, Masan đã công bố ký kết thỏa thuận mua lại 20% với giá 15 triệu USD của Công ty Cổ phần Phúc Long Heritage – công ty sẽ sở hữu thương hiệu Phúc Long, tương đương mức định giá sau giao dịch là 75 triệu USD (khoảng 1.725 tỷ đồng).
Theo đó, Masan sẽ tích hợp Phúc Long vào hệ thống siêu thị WinMart của mình để nâng cao hiệu quả sử dụng mặt bằng – với mục tiêu ‘Phúc Long sẽ mang về 20% doanh thu của mỗi siêu thị WinMart’.
Đồng thời, Phúc Long cũng sẽ là mảnh ghép để Masan đã tăng tốc chiến lược Point of Life (“POL”) bằng cách xây dựng và thí điểm mini-mall, mô hình phục vụ đa dạng các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu (bao gồm nhu yếu phẩm, dược phẩm, sản phẩm tài chính và dịch vụ giải trí, viễn thông chiếm 60-80% chi tiêu tiêu dùng của người Việt) trên một hệ sinh thái tích hợp từ offline đến online.
Kể từ khi đồng hành cùng Masan đến giờ, số lượng cửa hàng to ở bên ngoài của Phúc Long tăng lên chút đỉnh – 88 cửa hàng, nhưng số kiosk bên trong WinMart tăng lên chóng mặt: 624 cửa hàng. Tổng hợp lại, hiện Phúc Long có 721 cửa hàng lớn nhỏ – đứng đầu về số lượng tại Việt Nam trong mảng F&B. Highlands Coffee sau thời gian dài dẫn đầu, giờ đã tụt xuống vị trí thứ 2 với gần 450 cửa hàng trên khắp toàn quốc.
Sau gần 1 năm đồng hành, có vẻ hiệu quả mà Phúc Long mang lại cho Masan bằng hoặc hơn mong đợi của doanh nghiệp này, nên họ đi thêm bước nữa: mua thêm 31% cổ phần của Phúc Long, nâng tỉ lệ sở hữu lên 51%. Như thế, Phúc Long chính thức trở thành công ty con của Masan.
Với giá 110 triệu USD cho 31% cổ phần tương ứng định giá vốn cổ phần của Phúc Long là 355 triệu USD. Theo đó, P/E xấp xỉ 15x dựa trên ước tính lợi nhuận sơ bộ năm 2022. Hay cụ thể hơn: từ mức định giá 75 triệu USD, khoảng hơn 1.700 tỷ đồng hồi tháng 5/2021, sau chưa đầy 1 năm về với Masan, giá trị của Phúc Long tăng gấp gần 5 lần, lên 355 triệu USD.
Nếu ví von, thì 15 triệu USD là ‘quà’ đính hôn, còn 110 triệu USD ‘hồi môn’ của Masan dành cho Phúc Long.
Một kiosk Phúc Long bên trong siêu thị WinMart.
“Với các cửa hàng thí điểm mang lại kết quả khả quan, Masan tự tin rằng mô hình mini-mall thu hút khách hàng sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh số và giảm doanh thu cần thiết để đạt điểm hòa vốn, từ đó gia tăng lợi nhuận.
Kể từ khi nhận được khoản đầu tư ban đầu của Masan, Phúc Long thể hiện sức mạnh cộng hưởng mạnh mẽ với chiến lược POL. Chiến lược này giờ đây sẽ tăng tốc hơn nữa khi Phúc Long trở thành công ty thành viên của Masan“, đại diện Masan cho biết.
Dự kiến, trong năm tài chính 2022, doanh thu Phúc Long sẽ đạt từ 2.500 nghìn đến 3.000 nghìn tỷ đồng, nhờ mở rộng mạng lưới cửa hàng riêng và kiosk trong hệ thống siêu thị WinMart cũng như việc đa dạng hóa danh mục sản phẩm trà và cà phê.
Từ năm 2016 đến 2019, Phúc Long ghi nhận sự tăng trưởng chóng mặt. Năm 2019, chuỗi này đem về tới 779 tỷ đồng, tăng đột biến 65% so với 2018 và gấp gần 3 lần so với kết quả năm 2016. Điều này giúp Phúc Long trở thành người dẫn đầu về doanh thu, vượt trội hơn hẳn các đối thủ khác trong ngành trà sữa như Tocotoco, Gong Cha, Koi Cafe, Bobapop hay Dingtea, Sharetea.
Tuy nhiên, dù doanh thu lớn nhưng lợi nhuận ròng của Phúc Long lại rất “mỏng”, chỉ từ vài tỷ đến dưới 20 tỷ đồng. Xét về biên lợi nhuận, trong khi các chuỗi khác như Highlands Coffee đạt biên lợi nhuận gộp (gross margin) khoảng 68%, The Coffee House khoảng 70%, thì Phúc Long chỉ khoảng 35%, nhỉnh hơn Starbucks (19%).
Năm 2020, doanh thu của Phúc Long chỉ tăng trưởng nhẹ, nhưng lợi nhuận lại cải thiện đáng kể: tăng 119% so với cùng kỳ năm trước, đạt 35 tỷ đồng.
Theo báo cáo mới nhất của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) vào 9/2021, dự đoán doanh thu của chuỗi Phúc Long sau khi về cùng nhà với WinCommerce cũng dự đạt thêm 1.750 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, VCBS nhấn mạnh biên lợi nhuận của Phúc Long sẽ được cải thiện mạnh sau khi hợp tác với Masan – đơn vị khá “mát tay” trong việc M&A được minh chứng qua Bột giặt NET, VinaCafé Biên Hòa…
Doanh nghiệp và tiếp thị
https://doanhnghieptiepthi.vn/phuc-long-lot-xac-nhu-the-nao-sau-khi-ve-chung-nha-voi-masan-tu-giua-2021–161221002090733657.htm