Sau một năm đầy thăng hoa của thị trường chứng khoán Việt Nam, điều mà các nhà đầu tư quan tâm vào lúc này là nền kinh tế nói chung và xu hướng đầu tư năm 2022 sẽ như thế nào? Liệu kênh đầu tư chứng khoán còn tiếp tục lên ngôi và dòng tiền luân chuyển ra sao trên thị trường? Chia sẻ trên Talkshow Phố Tài chính VTV8, các chuyên gia đều đồng tình cho rằng chứng khoán sẽ vẫn đủ sức thu hút đông đảo nhà đầu tư và sẽ đủ tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.
BTV Mùi Khánh Ly: Theo các ông xu hướng đầu tư năm nay sẽ diễn biến như thế nào?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích, CTCK VPS: Đại dịch Covid 19 và biến chủng mới Omicron đã tác động rất lớn đến môi trường đầu tư của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua. Rõ ràng kênh đầu tư vàng, ngoại tệ, hay các kênh đầu tư khác cũng gặp vấn đề; trong khi hai kênh đầu tư chứng khoán và bất động sản lại có phần hấp dẫn hơn cả.
Tuy nhiên, đầu tư bất động sản sẽ cần dòng vốn rất lớn, còn kênh đầu tư chứng khoán lại phù hợp hơn cả với số đông nhà đầu tư hơn, với các nhà đầu tư nhiều tiền cũng như các nhà đầu tư ít tiền, kể cả khi nhà đầu tư chỉ mua một vài chục cổ, trăm cổ.
Ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Cao cấp, Đại học Bristol, Anh: Năm 2022 mở ra với kỳ vọng dần trạng thái bình thường mới, do đó tôi cho rằng hoạt động của thị trường bất động sản sẽ sôi động hơn. Còn đối với thị trường vàng, tôi nghĩ vàng là một ẩn số tương đối là khó hiện nay bởi người trẻ hiện nay phần đông không có xu hướng nắm giữ vàng, họ sẽ thích đổi qua một số loại tài sản khác. Cho nên dòng tiền vẫn sẽ tìm về các kênh sinh lời và cổ phiếu vẫn là kênh sinh lời hấp dẫn.
Ngoài ra, với việc mặt bằng lãi suất vẫn thấp sẽ vẫn khiến dòng tiền chảy vào kênh đầu tư chứng khoán. Dù là một số nước đã bắt đầu tăng lãi suất, nhưng cho dù như vậy, chẳng hạn như Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ (FED) họ tăng lãi suất 3 lần thì mức lãi suất sẽ vẫn là mức lãi suất thấp nhất trong lịch sử.
Ông Dương Ngọc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD): Giai đoạn 2020-2021 là khoảng thời gian bùng nổ số lượng nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường chứng khoán nước ta. Tuy nhiên, số người dân Việt Nam đầu tư chứng khoán vẫn còn khiêm tốn cho với nhiều nước trong khu vực, chính vì vậy địa cho sự phát triển của thị trường Việt Nam kèm theo số lượng nhà đầu tư tham gia mới là vô cùng lớn.
BTV Mùi Khánh Ly: Nhà đầu tư đang muốn tìm ra những cổ phiếu có khả năng sinh lời trong tương lai. Vậy những nhóm ngành nào được dự báo tăng trưởng trong năm 2022, thưa các ông?
Ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Cao cấp, Đại học Bristol, Anh: Thứ nhất, tôi lạc quan với quá trình hồi phục về xuất khẩu cũng như quá trình tăng đầu tư FDI ở Việt Nam do đó nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp có triển vọng khả quan.
Thứ hai, khi nền kinh tế Việt Nam kỳ vọng tăng trưởng từ mức dưới 3% tăng lên 6,5% thì lĩnh vực tài chính ngân hàng sẽ được hưởng lợi từ việc nền kinh tế phát triển mạnh trở lại, tuy nhiên sẽ có sự phân hóa.
Ví dụ trong ngành ngân hàng, sẽ có những ngân hàng tích lũy được dự phòng rủi ro lớn, có khả năng bao phủ nợ xấu lớn. Như vậy sang năm 2022, khi mà tình hình tốt hơn, những ngân hàng này có thể hòa nhập một phần dự phòng thì lợi nhuận tốt hơn. Ngược lại, có những ngân hàng hưởng lợi từ quá trình tái cấu trúc lại khoản nợ của năm ngoái nhưng khi chính sách bớt lợi ích từ khoản đó đi thì sẽ gặp những rủi ro khác.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích, CTCK VPS: Tôi muốn hướng tới nhà đầu tư việc đo lường giá trị thực tại, nội tại của doanh nghiệp cũng như đánh giá triển vọng tương lai cổ phiếu, sau đó mới là câu chuyện tăng trưởng về giá, về trả thuế cổ tức. Chính vì thế ý tưởng đầu tiên là sự tiết kiệm, sự đầu tư bền vững và hướng tới tự do về tài chính.
Thứ hai, để lựa chọn các nhóm ngành nghề triển vọng trong năm 2022, tôi đánh giá những nhóm ngành như công nghệ viễn thông, bất động sản khu công nghiệp, dầu khí hoặc xây dựng dân dụng là những nhóm ngành có thể hưởng lợi cũng như có sự tăng trưởng doanh thu lợi nhuận rất tốt trong năm tới. Ngoài ra, nhà đầu tư có thể đi theo phương pháp rà soát từng doanh nghiệp. Có thể có những doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chuẩn về đầu tư, là cổ phiếu triển vọng, làm doanh nghiệp tái cấu trúc, thoát ra khỏi giai đoạn khó khăn mà bước vào chu kỳ tăng trưởng đi lên… đều là cơ hội rất lớn đối với các nhà đầu tư.
Hệ thống đánh giá, phân tích các doanh nghiệp và cổ phiếu có thể bao gồm:
– (1) sức bật về EPS (lãi ròng trên 1 cổ phiếu);
– (2) doanh nghiệp đấy có phải là số một trong ngành không, có lợi thế đặc thù gì trong ngành không?
– (3) doanh nghiệp này có quỹ đất gì lớn, đất đai tài sản ngầm gì lớn không.
– (4) doanh nghiệp này có cổ đông chiến lược, quỹ nào uy tín đang sở hữu cổ phiếu này không?
– (5) doanh nghiệp này có được định giá thấp hay không? Bởi lẽ nếu thuộc nhóm doanh nghiệp đầu ngành nhưng lại có định giá không hấp dẫn thì rõ ràng không phải mục tiêu đầu tư.
– (6) thanh khoản giao dịch phải có sự sôi động, đó cũng là một trong những cái tiêu chí giúp nhà đầu tư sàng lọc ra các cơ hội đầu tư tốt hơn trong năm 2022.
BTV Mùi Khánh Ly: Ngoài ra thì các nhà đầu tư cũng đang quan tâm về việc dòng tiền sẽ luân chuyển như thế nào trên thị trường, thưa hai ông?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích, CTCK VPS: Trong năm vừa qua, khối ngoại bán ròng liên tục cả năm hơn 63.000 tỷ đồng; trong khi dòng tiền tham gia chủ yếu trên thị trường chứng khoán là khối nội. Tuy nhiên trong năm tới 2022, rất nhiều cổ phiếu có mặt bằng giá cao, dòng tiền sẽ chọn lọc hơn vào những doanh nghiệp xuất sắc và điển hình hơn. Nếu như 2021 là sự bùng nổ luân phiên giữa các nhóm ngành khác nhau, thì năm 2022 sẽ chọn lọc một vài cổ phiếu đặc thù, có sự phân hóa và đầu tư có trọng điểm.
Với môi trường kinh tế ổn định, tăng trưởng GDP dự báo rất tốt với câu chuyện FDI và Hiệp định thương mại thì trong năm 2022, dự báo VN-Index sẽ vượt qua khu vực 1.500 điểm, từ đó đi lên giao dịch tại dải khu vực 1.600 đến 1.800 điểm.
Ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Cao cấp, Đại học Bristol, Anh: Năm 2021, thị trường đã tăng rất mạnh rồi, có một số cổ phiếu ở mức định giá rất cao nên họ sẽ có một quá trình điều chỉnh lại. Tuy nhiên, nếu nhạy bén chúng ta có thể có thể bắt được dòng “sóng” đó, khi mà gần chạm đáy thì chúng ta mua lại, hưởng lợi được quá trình tăng trở lại giai đoạn sau. Đó là một sự luân chuyển mà tôi nghĩ đã diễn ra trên các thị trường tài chính ở châu Âu, Mỹ và sớm hay muộn thì cũng sẽ diễn ra ở Việt Nam.
Có một điểm nữa mà chúng ta nên lưu ý đó là quỹ ngoại năm ngoái bán ra nhiều thì năm nay sẽ có sự thay đổi. Năm 2022, nhà đầu tư nước ngoài vọng những nước họ đã từng bán ròng như Việt Nam, Thái Lan… khôi phục lại kinh tế, mở lại du lịch, hàng không…Như vậy họ sẽ phải thay đổi chiến lược đầu tư, năm ngoái họ bán gì thì năm nay họ sẽ mua lại phần đầu tư đó.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị (https://doanhnghieptiepthi.vn/dong-tien-se-huong-toi-nhom-nganh-nao-trong-nam-2022-161221801145508841.htm)