Sự biến động của thị trường và các động thái tiếp theo của các ngân hàng trung ương phải được theo dõi “rất cẩn thận”, nhà đầu tư kỳ cựu Mark Mobius cảnh báo.
Ông mô tả những “động thái điên rồ” đối với các tài sản như bitcoin là do “mất phương hướng và bối rối”.
Thị trường đã rộ lên những đồn đoán về việc các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể giảm bớt việc mua tài sản khi nền kinh tế hồi phục bước đầu sau đại dịch và bóng ma lạm phát gia tăng.
Mark Mobius, sáng lập của Mobius Capital Partners nói với CNBC rằng động thái của các ngân hàng trung ương phải được theo dõi chặt chẽ.
“Bất kỳ sự sụt giảm nào trong nguồn cung tiền do ngân hàng trung ương kéo trở lại, theo tôi, rất có hại cho thị trường. Vì vậy tôi nghĩ chúng ta phải xem xét điều này rất cẩn thận”.
“Chúng ta đang ở trong một khoảng thời gian rất không chắc chắn, đó là điều chắc chắn”, ông nói thêm.
Ngay cả khi không có sự lo ngại về các ngân hàng trung ương, đã có những trường hợp thị trường biến động rất mạnh kể từ đầu năm, bao gồm cả “cơn điên” của các nhà đầu tư cá nhân tấn công thị trường chứng khoán Mỹ vào mùa xuân (phần lớn được thúc đẩy bởi Reddit), hay những biến động trên thị trường tiền điện tử, đặc biệt là bitcoin.
Giá tiền điện tử đã giảm 10% hôm thứ Ba xuống dưới 32.000 USD và giảm 50% so với mức cao nhất mọi thời đại xác lập hồi tháng 4.
Mobius cho rằng hành vi chấp nhận rủi ro của các nhà đầu tư và sự biến động của thị trường dẫn đến sự bối rối.
“Rất nhiều người có tiền mặt trong tay và họ muốn làm điều gì đó. Thêm nữa, họ bối rối. Thực tế là họ đã thấy bitcoin, thứ mà họ rất tin tưởng, sụt giảm một cách đáng ngại”.
Tuy nhiên, Mobius tin rằng thị trường vẫn có thể tăng cao hơn nếu các ngân hàng trung ương không áp dụng các chương trình mua tài sản quá sớm.
“Với nhiều tiền như vây, không có lý do nào khiến thị trường không thể tăng hơn nữa, không chỉ Mỹ mà các thị trường MSCI và mới nổi (EM) đã tăng nhiều hơn S&P 500. Bạn có thể thấy điều đó tiếp tục trừ khi có sự sụt giảm lớn về cung tiền và đó là lý do vì sao chúng ta phải theo dõi hành vi của các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới, đặc biệt là Fed”.
Mobius lưu ý rằng một số thị trường mới nổi đã hoạt động tốt như thế nào khi nguồn cung tiền trên toàn cầu tăng lên và chỉ ra cách một số đồng tiền, chẳng hạn như Nhân dân tệ của Trung Quốc và đồng Real của Brazil đã hoạt động đặc biệt tốt năm ngoái, nhưng triển vọng không thể đoán trước được giữa các loại tiền tệ.
“Bạn sẽ thấy rất nhiều động thái bất thường tiếp tục”, ông lưu ý “một số là chính đáng nhưng cũng rất nhiều không thực sự hợp lý”, tạo nên một triển vọng rất không chắc chắn.
Điểm đến tiếp theo cho thị trường toàn cầu là kết quả mới nhất về tỷ lệ lạm phát của Mỹ, điều này có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang giảm bớt việc mua tài sản sớm hơn.
Các nhà kinh tế đang kỳ vọng chỉ số CPI sẽ tăng 4,7% so với một năm trước đó. Tháng tháng 4, chỉ số CPI tăng 4,2%, mức nhanh tăng nhất kể từ năm 2008.
Fed từng nói rằng áp lực tăng giá chỉ là tạm thời khi nền kinh tế tiếp tục phục hồi sau suy thoái do đại dịch gây ra.
Theo Nhịp sống kinh tế
https://cafef.vn/mark-mobius-thi-truong-dang-o-trong-giai-doan-khong-chac-chan-can-theo-doi-chat-che-dong-thai-cua-cac-ngan-hang-trung-uong-20210610125928147.chn