Yếu tố giá rẻ ngay trước tết là yếu tố lớn nhất thúc đẩy hoạt động mua gom đặt cược cho đà tăng sau tết của thị trường chứng khoán.
Nếu như những ngày đầu xuân Canh Tý đã khiến nhiều nhà đầu tư khốn khổ thì năm nay, câu chuyện lại hoàn toàn khác. Những nhà đầu tư dự đoán đúng xu hướng thị trường chứng khoán sau tết Tân Sửu sẽ tăng mạnh đã kiếm rất đậm.
Dự đoán đúng lại gặp thời giá cổ phiếu “rẻ”
Trước tết nguyên đán năm Tân Sửu, nhiều nhà đầu tư đã chia sẻ với chúng tôi quan điểm rằng họ nhận định thị trường chứng khoán sau tết sẽ tăng mạnh. Khi chúng tôi hỏi những nhà đầu tư này có sợ hay không một kỳ nghỉ dài có thể những biến cố bất thường có thể xảy ra, những nhà đầu tư này đã đồng loạt cho rằng không sợ. Tuy trước thềm tết nguyên đán, dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại ở Việt Nam nhưng những nhà đầu tư này vẫn đặt niềm tin rằng với kinh nghiệm sẵn có cùng nỗ lực chống dịch thì Việt Nam sẽ sớm xử lý thành công. Còn những yếu tố khác, nếu có xảy ra, thì nó là rủi ro và có kỳ nghỉ dài hay không có kỳ nghỉ dài thì nó vẫn xảy ra nên họ không quá quan tâm.
Khi được hỏi còn yếu tố nào khác thúc đẩy họ quyết định mua gom cổ phiếu trước tết, nhiều người lý giải có 2 yếu tố lớn tác động đến quyết định mua bán của họ.
Thứ nhất: Thị trường chứng khoán đã điều chỉnh sâu trước tết đẩy giá nhiều cổ phiếu về mặt bằng rẻ hơn giai đoạn đỉnh cao rất nhiều. Ngoài ra, số người cần cơ cấu giảm tỷ trọng cổ phiếu, giảm tỷ trọng vay nợ trước kỳ nghỉ dài là rất nhiều nên đương nhiên, lực bán ra cũng sẽ cao và giá cổ phiếu sẽ hợp lý hơn cho những người mua gom. Yếu tố giá rẻ ngay trước tết là yếu tố lớn nhất thúc đẩy hoạt động mua gom đặt cược cho đà tăng sau tết của thị trường chứng khoán.
Thứ hai: Dòng tiền vào thị trường chứng khoán mạnh mẽ ngay trước tết. Điều này chứng tỏ giới đầu tư vẫn đặt cược vào tương lai của thị trường chứng khoán. Họ cho rằng các yếu tố kinh tế vĩ mô hiện tại đều đang hậu thuẫn lớn cho đà tăng của thị trường. Ngoài ra, nếu xét các cơ hội đầu tư hiện tại thì thị trường chứng khoán vẫn là lựa chọn hàng đầu do độ rộng lớn cao, thanh khoản cao, dễ dàng đổ vốn/rút vốn ra khỏi thị trường.
Nhiều nhà đầu tư kiếm đậm
Thống kê của chúng tôi cho thấy, ngay sau kỳ nghỉ cuối tuần cuối cùng trước tết tức ngày thứ 2 (8/2/2021) và ngày thứ 3 (9/2/2021) thì nhà đầu tư đã mạnh tay mua gom cổ phiếu. Đặc biệt trong ngày 8/2, khi thị trường chứng khoán bất ngờ giảm sâu 44 điểm đẩy giá nhiều cổ phiếu xuống thấp thì lực mua mạnh xuất hiện. Thanh khoản trong phiên này trên HoSE lên đến 609 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị hơn 15 nghìn tỷ đồng.
Trong phiên giao dịch tiếp theo (9/2), nhà đầu tư tiếp tục mạnh tay mua gom cổ phiếu vào đầu phiên khi mà thị trường đang giảm. Lực mua mạnh bất ngờ này đã khiến chỉ số từ mức -5 điểm bứt phá lên +28 điểm cuối phiên.
Nhờ sự bứt phá kể trên, những nhà đầu tư đã gom mua vào phiên 8 và đầu phiên 9/2 đã tạm lãi khá đậm đà ngay từ trước tết.
Thống kê của chúng tôi cho thấy nhiều cổ phiếu bứt phá mạnh mẽ từ trước tết đến nay giúp nhiều nhà đầu tư kiếm đậm. Ví dụ:
-HTN của Hưng Thịnh Incons đã tăng từ 32.800 đồng phiên 8/2 lên 41.500 đồng phiên 19/2 tương ứng mức tăng 26,5% trong 5 phiên giao dịch. Lũy kế cả năm 2020, doanh thu thuần đạt 4.552 tỷ đồng, tăng 23,7% so với cùng kỳ, nhờ tiết kiệm giá vốn nên LNST đạt 376 tỷ đồng, tăng 101% so với năm 2019, trong đó LNST công ty mẹ là hơn 362 tỷ đồng, tương đương EPS đạt 10.962 đồng.
-CIG của Coma18 đã tăng từ 2.870 đồng phiên 8/2 lên 3.660 đồng phiên 19/2 tương ứng mức tăng 27,5% trong 5 phiên giao dịch. Điều đáng nói là không giống như HTN với thành quả EPS thuộc top đầu thị trường chứng khoán, CIG lại đứng hàng đầu về những doanh nghiệp….thua lỗ đậm 2020. Lũy kế cả năm 2020, CIG đạt gần 40 tỷ đồng doanh thu thuần cao gấp hơn 15 lần so với cùng kỳ và ghi lỗ hơn 164 tỷ đồng trong khi năm 2019 chỉ lỗ 853 triệu đồng. Giải trình của COMA18 cho biết doanh thu trong kỳ là đến từ doanh thu cho thuê hạ tầng cụm công nghiệp và doanh thu phí nước thải tại Cụm công nghiệp Thanh Oai. Hiện công ty tạm thời dừng hoạt động xây lắp, cơ khí và nhà hàng do một thời gian dài hoạt động không hiệu quả. Công ty cho biết trước mắt để duy trì hoạt động và tận thu, công ty đã thực hiện cho thuê các mặt bằng dẫn đến thu nhập khác tăng và thực hiện đi vào khai thác các dự án KCN nhưng đang ở giai đoạn đầu do đó chưa có doanh thu trong giai đoạn này. Công ty ngày càng thực hiện quán triệt tiết kiệm mọi chi phí. Hiện nay toàn bộ nhân lực của công ty đang tập trung vào giai đoạn đầu của dự án khai thác hạ tầng KCN) dự án này hiện nay chưa phát sinh doanh thu).
-RIC của Công ty Cổ phần Quốc tế Hoàng Gia lọt top các cổ phiếu tăng mạnh nhất từ trước đến sau tết nhưng câu chuyện của RIC không còn mới khi mà cổ phiếu của doanh nghiệp này đã có hẳn 25 phiên “tím lịm”. Dù giá cổ phiếu tăng đột biến, nhưng kết quả kinh doanh của RIC vẫn không có đột biến. Đồng thời công ty cũng không có thông tin khác hỗ trợ cho chuỗi tăng giá chứng khoán. Doanh thu cả năm 2020 đạt gần 126 tỷ đồng, giảm 37% so với năm 2019 và ghi nhận lỗ 81,5 tỷ đồng – cao hơn cả số lỗ 73 tỷ đồng trong năm 2019, nâng tổng lỗ lũy kế đến 31/12/2020 lên gần 310 tỷ đồng. RIC được biết đến là đơn vị quản lý tổ hợp các khách sạn tại Thành phố Hạ Long, quản lý khu Casino và một số khu vui chơi.
Ngoài các cổ phiếu nói trên, sàn HoSE cũng ghi nhận nhiều cổ phiếu bứt phá mạnh mẽ từ phiên 8-9/2 và 17-18-19/2 như VAF, HVX, NHA, PXS, GVR….
Nhóm VN30 là nhóm thu hút mạnh dòng tiền đầu tư trong suốt thời gian qua. Tuy nhóm VN30 có ít doanh nghiệp lọt top đầu tăng giá cổ phiếu trong tuần qua nhưng những nhà đầu tư yêu thích cổ phiếu “hàng hiệu” cũng rất vui với đà tăng bứt phá của nhiều cổ phiếu thuộc top đầu thị trường. Thống kê của chúng tôi cho thấy GAS của PV Gas đạt mức tăng 12,5%, BID của BIDV cũng bứt phá 10%, VHM của Vinhomes bứt phá 9% kể từ phiên 8/2 đến hết phiên 19/2. Ngoài ra, nhiều cổ phiếu nhóm VN30 cũng tăng mạnh như VCB, VIC, CTG, HPG…
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị (https://doanhnghieptiepthi.vn/nhieu-nha-dau-tu-kiem-dam-nho-du-doan-thi-truong-chung-khoan-but-pha-sau-tet-161212002100221183.htm)