Phập phồng thưởng Tết

Phập phồng thưởng Tết

Thưởng Tết có hay không phụ thuộc vào từng doanh nghiệp, trong khi người lao động thấp thỏm chờ tin.

Nhờ dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) đã dần hồi phục khiến người lao động (NLĐ) rất phấn khởi. Tuy nhiên, “sức khỏe” của nhiều DN vẫn còn yếu khiến thu nhập NLĐ không thể bằng trước khi dịch bệnh bùng phát. “Các đơn hàng của công ty chỉ mới khởi sắc trong 2 tháng gần đây, do vậy việc làm và thu nhập của NLĐ chỉ dừng lại mức ổn định. Trong tuần này, ban giám đốc và Công đoàn (CĐ) cơ sở sẽ ngồi lại thảo luận việc thưởng Tết cho anh chị em CN. Nói thật, chứ lo được bằng một nửa năm ngoái là đã quá sức của DN” – giám đốc một DN có vốn đầu tư nước ngoài tại KCN Bình Chiểu (quận Thủ Đức, TP HCM) chia sẻ.

Hy vọng mong manh

Còn chưa đến 2 tháng nữa là Tết nguyên đán 2021, thời điểm để mọi người nói với nhau về kế hoạch nghỉ lễ, nghỉ Tết, mua sắm, về quê, du lịch… Nhưng năm nay, với những công nhân (CN) vừa trải qua một năm đầy biến động bởi dịch Covid-19, họ sẽ có một cái Tết rất khác. Mới đây, thông tin về việc hoãn tăng lương tối thiểu khiến CN ở nhiều DN thêm lo lắng.

 Phập phồng thưởng Tết  - Ảnh 1.

Sau 2 đợt dịch Covid-19, người lao động mong chờ thưởng Tết với tâm trạng âu lo .Ảnh: CAO HƯỜNG

Trong căn nhà trọ tại phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP HCM, chúng tôi gặp anh Phạm Anh Trường, nhân viên của một hãng bia đóng tại quận 12 (TP HCM) khi cả nhà anh đang dùng cơm tối. Lùa vội chén cơm với mấy con cá khô, canh rau tạp tàng, anh nói: “Ngành của tôi năm nay rất khó khăn khi dịch Covid-19 ập đến, hàng quán đóng cửa khiến lượng sản phẩm tiêu thụ giảm hẳn, thu nhập cũng giảm sút. May mắn là tôi còn giữ được việc làm. Chỉ mong công ty thưởng 1 tháng lương để có tiền về quê, mua sắm cho gia đình”. Chị Nguyễn Thị Ngọc Hương, vợ anh Trường, làm giúp việc theo giờ nên thu nhập bấp bênh. Dịch bệnh bùng phát khiến công việc của chị không ổn định, mọi chi tiêu trong nhà trông chờ vào đồng lương của anh Trường. Cùng tâm trạng thấp thỏm chờ thưởng Tết, chị Cao Thị Hằng, CN Công ty TNHH F.T (KCX Linh Trung 2, quận Thủ Đức, TP HCM), cho biết năm nay, công ty vô cùng khó khăn khi thiếu đơn hàng, phải đóng cửa 1 xưởng, nhiều CN mất việc. “Mấy tháng gần đây, công ty đã có đơn hàng trở lại nhưng không nhiều như trước. Tôi làm ở công ty đã lâu, năm ngoái được thưởng Tết 1,2 tháng lương. Năm nay, chỉ mong công ty thưởng 1 tháng lương cũng được” – chị Hằng bộc bạch.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong 3 tháng 5, 6 và 7-2020, chị Đồng Thị Thảo, CN một công ty chuyên sản xuất giày da xuất khẩu đóng tại quận 12, phải ngừng việc, không hưởng lương. Trước thời điểm dịch bùng phát, thu nhập bình quân mỗi tháng của chị hơn 6 triệu đồng. Vì ở trọ nên số lương ít ỏi đó chị phải chi tiêu tằn tiện mới có thể tiết kiệm được một ít gửi về quê chăm lo cho mẹ già hơn 70 tuổi đang sống một mình. Thời điểm phải ngừng việc, để trang trải cuộc sống, chị xin làm thêm ở cơ sở sản xuất nón bảo hiểm. Tuy nhiên, do việc ít nên mỗi tuần cơ sở chỉ bố trí cho chị làm việc 1-2 ngày (lương 250.000 đồng/ngày) nên cuộc sống khá chật vật. “Hiện công ty vẫn chưa có thông tin về thưởng Tết nhưng với tình hình sản xuất cầm chừng như hiện nay, chúng tôi nghĩ là rất khó nên chỉ biết hy vọng. Đợt bão vừa rồi, căn nhà ở quê bị tốc mái vẫn chưa thể sửa sang, mẹ tôi phải đi ở nhờ nhà người khác nên tôi rất lo lắng. Nếu Tết này có thưởng tôi sẽ về quê xem tình hình thế nào. Nhưng nếu không có chắc phải cắn răng ở lại chứ biết làm sao” – chị Thảo ứa nước mắt nói.

Mong cái Tết ấm no

 Ngày 1-12, hầu hết DN trên địa bàn TP Đà Nẵng vẫn chưa có kế hoạch thưởng Tết Tân Sửu 2021. Trong khi đó, NLĐ vẫn đang thấp thỏm chờ lương, thưởng dẫu biết sẽ sụt giảm rất nhiều so với năm ngoái vì ảnh hưởng của 2 đợt dịch Covid-19.

Theo số liệu thống kê của các ngành chức năng TP Đà Nẵng, tính đến giữa tháng 11-2020, trên địa bàn TP có hơn 191.500 NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, hơn 21.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ), hơn 70.900 lao động bị ngừng việc, nghỉ việc không hưởng lương và 99.600 lao động làm việc không có giao kết HĐLĐ bị mất việc làm. Bị ảnh hưởng nặng nề nhất vẫn là ngành dịch vụ – du lịch. Đang có công việc làm ổn định với thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng, anh Hoàng Thanh Tài (35 tuổi, quê Bình Định), tài xế một hãng xe du lịch, bị mất việc khi dịch Covid-19 bùng phát. Để có tiền gửi về quê phụ giúp vợ con, anh xin làm bảo vệ cho công ty bất động sản đóng tại KCN Hòa Khánh mở rộng. Dù thu nhập không bằng như thời gian trước dịch nhưng anh Tài không có lựa chọn nào khác. “Vợ và hai con tôi ở Bình Định đang mong Tết này tôi về. Tôi cũng mong có thêm ít đồng lương, thưởng để mua quần áo mới cho con, lì xì cho bố mẹ ở nhà. Tuy nhiên, tôi mới vào làm việc nên chắc sẽ không có thưởng” – anh Tài cho hay. May mắn hơn anh Tài, chị Nguyễn Thị Quỳnh (nhân viên lễ tân tại Furama Resort Đà Nẵng) vẫn còn giữ được việc làm sau 2 đợt dịch Covid-19. Để chia sẻ khó khăn cùng DN, chị Quỳnh cùng nhiều lao động khác phải chịu cắt giảm nhiều khoản phụ cấp, đồng thời chia giờ làm, giảm lương. “Công ty vẫn chưa công bố kế hoạch thưởng Tết nên ai cũng thấp thỏm. Khoản thưởng có thể ít hơn năm trước, nhưng cũng là niềm khích lệ, động viên mọi” – chị Quỳnh kỳ vọng.

Theo ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch CĐ Khu Công nghệ cao và KCN Đà Nẵng, 2 đợt dịch Covid-19 liên tục mới đây đã làm nhiều lao động làm việc trong các DN dệt may, giày da, gỗ xuất khẩu… bị ảnh hưởng rất nặng. Nhiều DN phải giảm giờ làm, thỏa thuận nghỉ không lương hoặc chấm dứt HĐLĐ với NLĐ khi đến hạn. Chưa hết, nhiều DN còn cắt giảm triệt để các khoản chi phí được cho là không cần thiết cũng như phúc lợi của NLĐ như chuyên cần, xăng xe, nhà ở, nuôi con nhỏ… khiến cho đời sống của NLĐ càng khó khăn hơn. “Ai cũng mong chờ thưởng Tết, song tình hình này rất khó nói trước” – ông Trung cho biết.

Thưởng Tết bây giờ là… giấc mơ!

Với ngành du lịch, năm nay gần như các DN xác định không có thưởng Tết. Thậm chí, giữ được việc làm cho cán bộ nhân viên, NLĐ đã là một bài toán… đau đầu lúc này. Hai ngày nay, ngay khi có thông tin ca nhiễm xuất hiện ở TP HCM sau 89 ngày, nhiều DN du lịch ở TP cho rằng như đang “ngồi trên lửa”. Mọi kế hoạch chuẩn bị cho mùa du lịch, lễ hội cuối năm với kỳ vọng kích cầu du lịch nội địa, có doanh thu để duy trì hoạt động kinh doanh… có nguy cơ phải dừng lại. “Tôi đang lo lắng lắm, dịch đã tái xuất hiện…” – chủ tịch một công ty du lịch ở TP HCM nói với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 1-12 mà không giấu vẻ lo lắng.

Một số DN khi được hỏi về chuyện thưởng Tết còn giật mình. Trong khi những công ty du lịch nội địa còn có doanh thu từ bán tour cho khách đi trong nước thì công ty outbound (đưa khách ra nước ngoài) và inbound (đón khách quốc tế vào Việt Nam) đã không còn nguồn thu từ đầu năm đến nay. Những đợt nhân viên nghỉ việc lần 1, 2, 3… từ từ diễn ra, DN nào không cầm cự nổi hoặc không có tài chính tích lũy để duy trì, phải chấp nhận đóng cửa, chuyển ngành. “Thưởng Tết giờ thật sự là giấc mơ không chỉ của nhân viên, mà cả ông chủ DN cũng mơ, nhưng khó quá” – giám đốc một công ty du lịch nhỏ ở TP HCM thừa nhận.

Theo T.Phương (ghi)

Theo Người lao động (https://nld.com.vn/cong-doan/phap-phong-thuong-tet-2020120121164406.htm)

Có thể bạn quan tâm

Chân dung ông Phạm Thái Hà – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội vừa bị bắt

Ông Phạm Thái Hà bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Lợi dụng chức …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *