UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định loại bốn thủy điện khỏi quy hoạch do các dự án này tác động nhiều diện tích rừng, ảnh hưởng xấu môi trường.
Ông Nguyễn Tấn Tuân (Chủ tịch UBND Khánh Hòa) chiều 20/10 cho biết bốn dự án bị đưa ra khỏi quy hoạch thực hiện thủy điện của tỉnh gồm: Sông Trang (công suất 5MW), Khánh Thượng (18 MW), đều ở huyện Khánh Vĩnh, Sông Cái (2 MW, thị xã Ninh Hòa) và Hoa Sơn (4MW, huyện Vạn Ninh).
Quyết định thu hồi thỏa thuận đầu tư bốn dự án nói trên được thực hiện sau khi UBND tỉnh rà soát, xem xét đề xuất không phát triển thêm các dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn của Sở Công thương. Bốn dự án được cho hiệu quả kinh tế thấp, diện tích rừng bị ảnh hưởng lớn (trung bình khoảng 200 ha mỗi dự án), chậm triển khai và chưa có nhà đầu tư đăng ký.
Với việc loại bốn dự án ra khỏi quy hoạch, tỉnh Khánh Hòa có ba nhà máy thủy điện đang vận hành gồm: Ea Krong Rou (công suất 28 MW) ở thị xã Ninh Hòa; Sông Giang (37 MW) và Sông Chò 2 (37 MW) đều ở huyện Khánh Vĩnh và dự án Sông Giang 1 (12 MW) ở huyện Khánh Vĩnh đang xây dựng. Các dự án được chính quyền tỉnh xác định đạt các tiêu chí môi trường, không gây ngập khu dân cư, không nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên, các vườn quốc gia, khu rừng nguyên sinh…
Bà Võ Nguyễn Phương Mai, Phó phòng Quản lý năng lượng, Sở Công thương, cho biết hai năm qua, nhiều doanh nghiệp đề nghị tỉnh cho phép lập đồ án, đầu tư làm dự án thủy điện nhỏ ở các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và Vạn Ninh. Tuy nhiên, Sở Công thương qua nhiều lần khảo sát, nghiên cứu thấy đa phần dự án không hiệu quả, tác động xấu môi trường, nên đề xuất UBND tỉnh từ chối, không phát triển thêm dự án thủy điện.
Theo Sở Công thương, đối chiếu Quy hoạch phát triển điện lực Khánh Hòa giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035 được Bộ Công thương phê duyệt năm 2017, tỉnh không có tiềm năng phát triển thủy điện, dự án không mang lại hiệu quả kinh tế. Dự án thủy điện khi triển khai chiếm dụng nhiều đất rừng, phải thu hồi nhiều loại đất (trung bình 1 MW thủy điện nhỏ và vừa thu hồi khoảng 7,4 ha đất các loại).
Đặc biệt, các dự án thủy điện ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, tài nguyên thiên nhiên, phải di dân, định canh, định cư và việc đấu nối nhà máy vào điện lưới quốc gia rất khó khăn. Ngoài ra, đặc điểm các sông ở Khánh Hòa chủ yếu chảy qua vùng rừng tự nhiên, chiều dài sông ngắn, đổ trực tiếp ra biển, nên đến mùa cạn nước các sông có nguy cơ bị xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt.
Khánh Hòa có hơn 19.100 ha rừng đặc dụng, gần 126.400 ha rừng phòng hộ và hơn 141.000 ha rừng sản xuất. Những năm gần đây, nhiều diện tích rừng, đồi núi ở Khánh Hòa bị phá để lấy đất sản xuất, làm dự án cùng hàng loạt vụ phá rừng. 9 tháng đầu năm, Chi cục Kiểm lâm phát hiện 5 vụ phá rừng với hơn 20 ha, xử phạt gần 310 vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp, tăng 70 vụ so với cùng kỳ năm trước.
Xuân Ngọc
https://vnexpress.net/khanh-hoa-loai-bon-du-an-thuy-dien-4179630.html