Ông Nguyễn Đức Chung dự kiến bị bãi nhiệm

HĐND TP Hà Nội họp bất thường vào cuối tuần này, dự kiến bãi nhiệm chức danh Chủ tịch đối với ông Nguyễn Đức Chung và bầu nhân sự thay thế.

Tối 22/9, Chánh văn phòng HĐND TP Hà Nội Lê Minh Đức cho biết, thường trực HĐND thành phố đã thông báo triệu tập kỳ họp bất thường vào ngày 25/9 để kiện toàn nhân sự lãnh đạo.

Theo đó, cơ quan dân cử thành phố sẽ bãi nhiệm ông Nguyễn Đức Chung và bầu tân chủ tịch Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020. Nhân sự được giới thiệu để bầu Chủ tịch UBND thành phố là ông Chu Ngọc Anh – Phó bí thư Thành ủy Hà Nội.

Ông Nguyễn Đức Chung hiện đang bị đình chỉ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu HĐND TP. Ảnh: Võ Hải.

Ông Nguyễn Đức Chung hiện đang bị đình chỉ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu HĐND TP. Ảnh: Võ Hải.

Trước đó ngày 3/9, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội ký quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu HĐND thành phố đối với ông Nguyễn Đức Chung “để các cơ quan tư pháp thực hiện quy trình tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”.

Hôm 11/8, Bộ Chính trị đã quyết định đình chỉ sinh hoạt Ban chấp hành Đảng bộ, Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội và đình chỉ chức vụ Phó bí thư Thành ủy Hà Nội đối với ông Nguyễn Đức Chung;

Chủ tịch Hà Nội cũng bị tạm đình chỉ công tác 90 ngày để điều tra trách nhiệm liên quan trong một số vụ án.

Ngày 28/8, Bộ Công an đã khởi tố, tạm giam 4 tháng ông Nguyễn Đức Chung để điều tra cáo buộc phạm tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước.

Ngoài vụ án chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, ông Chung còn bị điều tra trách nhiệm liên quan hai vụ án khác.Thứ nhất, vụ án buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; rửa tiềnvi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường.

Vụ án thứ hai là Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại UBND Hà Nội và các đơn vị liên quan.

Theo quy định hiện hành, HĐND bãi nhiệm thành viên UBND (bao gồm chủ tịch thành phố) trong các trường hợp: Bị kết tội bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án; có hành vi vi phạm pháp luật hoặc không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao.

Nghị định 112 ban hành ngày 18/9 nêu một số trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật, trong đó có “cán bộ, công chức, viên chức đang bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật, trừ trường hợp theo quyết định của cấp có thẩm quyền”. Như vậy, cán bộ đang bị truy tố sẽ chưa bị xét xét kỷ luật, tuy nhiên, nếu cấp có thẩm quyền ra quyết định khác thì cán bộ này vẫn bị xử lý theo quyết định đó.

Võ Hải

https://vnexpress.net/ong-nguyen-duc-chung-du-kien-bi-bai-nhiem-4165825.html

Có thể bạn quan tâm

Chân dung ông Phạm Thái Hà – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội vừa bị bắt

Ông Phạm Thái Hà bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Lợi dụng chức …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *