Dưới đây là hình ảnh của nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận đang tìm những cuống sen bỏ đi để tạo ra loại lụa đắt đỏ, độc đáo nhất thế giới trên The Jakarta Post.
Cố của bà từng làm và bán lụa truyền thống cho người Pháp trong thời kỳ thuộc địa, sau đó đã truyền lại kỹ thuật cho bà Thuận. Bà Phan Thị Thuận đã bắt đầu dệt từ khi chỉ mới 6 tuổi, tại ngôi làng nằm ở vùng ngoại ô Hà Nội.
3 năm trước, bà Thuận đã nghiên cứu và sản xuất thành công lụa tơ sen, từ một bộ phận thường bị vứt bỏ của cây sen – cuống sen. Bà bắt đầu chiết xuất xơ có trong cuống lá để làm lụa tơ sen, một loại vải độc đáo được các nhà thiết kế thời trang săn lùng.
Người phụ nữ 65 tuổi chia sẻ đầy tự hào: “Tôi là người đầu tiên ở Việt Nam tìm ra phương pháp này. Ban đầu, tôi đã tự mình làm tất cả. Sau đó, tôi hướng dẫn mọi người trong xưởng của tôi”.
Trước đây, người dân thường phải làm việc vất vả hàng giờ để dọn sạch những thân cây thối rữa trên ruộng sen, để tránh làm hỏng đất và xuất hiện các loại côn trùng gây hại. Nhưng nhờ vào tầm nhìn xa trông rộng của mình, hiện nay bà Thuận đã có một xưởng với khoảng 20 công nhân, chủ yếu là phụ nữ, nhặt cuống lá trên cánh đồng sen, trước khi tách và cuộn thành sợi.
Bà Thuận nói rằng tất cả các công đoạn tạo ra sợi tơ sen đều đòi hỏi phải thật chỉn chu và cầu kỳ. Trung bình một chiếc khăn lớn cần khoảng 9.2000 cuống sen và một công nhân sẽ mất khoảng 2 tháng để hoàn thành. Bà nhận định rằng điều này là xứng đáng.
Bà cho biết: “Tôi coi đây là nhiệm vụ của mình: vừa tạo ra công ăn việc làm, vừa phải nỗ lực hết mình vì môi trường”. Trong giai đoạn bận rộn, bà thuê hàng trăm người dệt vải tại nhà.
Bên cạnh đó, một chiếc khăn lụa sen cũng có giá khá cao. Trong khi một chiếc khăn lụa bình thường sẽ có giá khoảng 20 USD, thì đối với khăn lụa sen, con số này lại gấp 10 lần. Khăn lụa sen cũng rất phổ biến với khách du lịch trước giai đoạn đại dịch Covid-19.
Mặc dù lụa tơ sen đã được sản xuất ở một số ít các quốc gia, bao gồm Myanmar và Campuchia, nhưng bà Thuận vẫn được coi là người tiên phong trong lĩnh vực sáng tạo này.
Trước đó, bà đã nhận được sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, với dự án cấp quốc gia kéo dài 3 năm nhằm phát triển kỹ thuật thu hoạch.
Đồng thời, bà Thuận cũng tổ chức các buổi đào tạo cho các bạn học sinh trong thời gian được nghỉ, với hy vọng tạo ra không gian năng động ngay cả đối với lĩnh vực truyền thống này.
Bà Nguyễn Thị Xoa, 40 tuổi, được bà Thuận hướng dẫn nghề vào năm 2017 và hiện bà mong muốn các con theo nghề của mình. Bà chia sẻ: “Ban đầu, đối với tôi đây là một công việc hết sức khó khăn. Tuy nhiên hiện tại tôi thực sự rất yêu thích công việc này. Đây là một công việc ổn định và tôi tự hào về công việc của mình”.
Theo Tổ Quốc (https://www.thejakartapost.com/life/2020/08/29/fabric-of-success-how-lotus-silk-is-weaving-its-way-into-vietnam.html)