100 tỷ mỗi năm
“Gần 20 năm làm bóng đá tốn rất nhiều tiền, khoảng 2.000 tỷ đồng chứ không ít” – Ông Đoàn Nguyên Đức, hay vẫn thường được gọi là bầu Đức, chia sẻ trong ngày khai trương cửa hàng thứ 100 của chuỗi cà phê ông Bầu mới đây.
Vốn vẫn luôn xuất hiện cùng với những con số hàng nghìn tỷ, nhưng là trong hoạt động kinh doanh bất động sản khi xưa và trong nông nghiệp quy mô lớn hiện tại, nên dù biết bầu Đức đam mê bóng đá thì con số 2.000 tỷ cũng khiến cho những người quan tâm bất ngờ.
Tính ra, ông bầu này chi mỗi năm tới 100 tỷ đồng cho tình yêu của mình, tương đương với gia tài cả đời của nhiều đại gia khác.
Từ 2.000 tỷ của bầu Đức, một doanh nhân cũng cá tính không kém được nhắc đến là ông Nguyễn Tử Quảng. Ông Quảng từng chia sẻ, 10 năm dấn thân vào lĩnh vực Smartphone, BKAV tiêu hết 1.000 tỷ đồng. Bình quân, mỗi năm chi 100 tỷ đồng tiền mặt cho hoạt động nghiên cứu phát triển để chiếc Bphone được ra đời với niềm tự hào là sản phẩm điện thoại thông minh thương hiệu Việt.
Nhưng 100 tỷ đồng/năm không phải là “cái giá” duy nhất mà bầu Đức và ông Quảng phải trả cho đam mê. Nó còn là vô số áp lực dư luận và sự nghi ngờ dành cho 2 doanh nhân khác người.
Những kẻ mộng mơ và lì lợm
Năm 2015, Forbes phỏng vấn những người xung quanh Nguyễn Tử Quảng và nhận về lời mô tả: “Quảng “nổ” đam mê công nghệ và nhiều mơ ước như một căn bệnh. Anh ấy nuôi dưỡng khát vọng một cách lãng mạn hơn bất kỳ người lãng mạn nào làm công nghệ”.
Đó là điều mà ai cũng nhìn thấy. Nguyễn Tử Quảng luôn khẳng định quyết liệt về việc người Việt có thể tạo ra những sản phẩm cạnh tranh sòng phẳng, thậm chí tốt hơn hẳn những công ty công nghệ hàng đầu thế giới. Vì việc “thậm xưng về vị trí số 1” trong mọi thứ BKAV tạo ra mà Tử Quảng mới có biệt danh Quảng “nổ”.
Dẫu vậy, từ phần mềm bảo mật, diệt virus của BKAV cho đến điện thoại thông minh Bphone, dù dư luận ném gạch đá khủng khiếp thế nào, ông Quảng vẫn không giấu được niềm tin giàu mơ ước của mình.
“Một thương hiệu Việt gặp bất lợi do không được đánh giá cao trong lĩnh vực công nghệ trên toàn cầu. Nhưng chúng tôi không chấp nhận điều đó. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh thương hiệu ra toàn cầu và để thế giới thay đổi cách nhìn về Việt Nam.” – Tử Quảng trả lời Forbes.
Đi kèm phát ngôn, ông Quảng cho thấy sự lì lợm đi đến cùng con đường để chứng minh với thế giới.
“Dựa vào đâu mà tôi có thể kiên trì bền bỉ như vậy?” – Tử Quảng trả lời trong bài phỏng vấn tháng 3/2020 của Trí thức trẻ – “Khi mình đã hiểu triết lý công việc đang làm thì cứ thế làm thôi, cho dù nó kéo dài bao lâu, dù khó khăn bao nhiêu. Quan trọng, mình biết mình đang làm gì, làm như thế nào, chiến lược như thế nào và mục đích là gì. Chúng tôi có niềm tin vào con đường của mình, vậy thì việc phải bỏ ra 1.000 tỷ đồng hay cả chục năm có là vấn đề gì đâu, có sá gì đâu”.
Nói thêm, mục đích của Tử Quảng ngay từ đầu là tạo ra ngành công nghiệp smartphone ở Việt Nam chứ không chỉ tạo ra sản phẩm của BKAV.
Sự mộng mơ và lì lợm của bầu Đức cũng vậy.
Ông cũng luôn lớn tiếng nói lên mơ ước bóng đá Việt Nam vươn tầm thế giới. Và ở quy mô khu vực, “chẳng mấy chốc Việt Nam sẽ coi Thái Lan như cỏ rác”.
Từ việc mua Kiatisak, xây Học viện Hoàng Anh Gia Lai để đào tạo đội ngũ trẻ, cho đến việc tìm Huấn luyện viên trưởng Park Hang Seo và bỏ tiền túi ra trả tiền cho ông Park… chỉ vài gạch đầu dòng cũng đủ để chứng minh tâm huyết và tầm chơi lớn của ông Đức, dù lần nào khi bắt đầu, ông cũng bị dư luận ném đá.
“12 năm làm Học viện bóng đá là 12 năm tôi phải đội mũ cối, vì bị ném đá. Họ không tin tôi nhưng bản thân tôi không được phép dừng lại, chấp nhận mọi thứ để làm đến cùng” – ông Đức từng chia sẻ.
Hay “Nói thẳng, một số người bảo tôi “nổ” nhưng nhìn lại đi, ai “nổ” mà làm được như tôi”.
Kể cả những năm tháng Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai chìm nghỉm trong nợ nần, thua lỗ thì bầu Đức vẫn “gan lì” gắn bó với bóng đá, trả lương cho ông Park vì tình yêu, niềm tin và cả trách nhiệm khi đã hứa.
Đội tuyển bóng đá Việt Nam vô địch SEAGAME 2019 là một trong những ước mơ của bầu Đức và cũng ghi dấu những đóng góp của bầu Đức cho nền bóng đá nước nhà – như ông tự nói: “Lứa cầu thủ Công Phượng, Tuấn Anh hay Xuân Trường khiến tôi rất hài lòng”.
Với ông Tử Quảng, từ con số hàng nghìn chiếc Bphone 3 bán ra với những nhận xét tích cực hơn 2 đời trước đó, cho đến chiếc Bphone 4 cháy hàng – như lời ông Quảng khoe, có thể gọi là thành công bước đầu.
Ngoài tiền và đam mê, họ có gì?
“Đừng phản bội lại mơ ước của mình chỉ vì muốn hòa nhập với người khác” – tỷ phú Richard Branson từng nói – “Những kẻ mộng mơ sẽ khiến thế giới trở nên tiến bộ hơn”.
Nhưng phải nói chắc chắn rằng, nếu chỉ mộng mơ và lì lợm mà không có tiền để “chịu chi” thì đam mê của 2 doanh nhân cũng không đi đến những kết quả như hiện tại.
Thế nhưng, những người có thể chi cả số tiền khổng lồ cho đam mê, lại là những người vô cùng giản dị.
Ông Đức luôn xuất hiện với ngoại hình như một nông dân. Món ăn yêu thích là rau muống chấm muối ớt, không ăn mắm vì sợ hóa chất.
Còn Tử Quảng – luôn mặc quần bò và chiếc áo sơ mi trắng quen thuộc, quen đến nỗi trong sự kiện ra mắt Bphone 4 vừa rồi, độc giả xem livestream bình luận “Áo vợ tặng hay sao mà anh mặc suốt chục năm”. Và ông chủ của công ty cả ngàn nhân viên, lại cùng vợ ở trong căn hộ nhỏ trong một khu tập thể cũ kỹ tại Hà Nội.
Trong bài báo của Forbes, một nhân viên BKAV nhận xét: “Chẳng có nhà lầu xe hơi, chẳng biết golf hay thể thao giải trí, café cũng chẳng có thời giờ, đơn giản vì anh ấy không có nhu cầu và công ty chính là nhà.”
Trí thức trẻ (http://ttvn.toquoc.vn/cai-gia-phai-tra-cho-dam-me-cua-bau-duc-va-nguyen-tu-quang-820209793257375.htm)