Nhiều doanh nghiệp sản xuất cho biết, sau nửa năm cắt giảm hàng loạt, lượng lao động bị thôi việc sắp tới vẫn tăng do đơn hàng ngày càng giảm.
Hoàng, một thợ mộc trong xưởng sản xuất gỗ ở Kon Tum hồi tháng 3, được thông báo nghỉ việc vì Covid-19. Chủ doanh nghiệp hứa tuyển dụng trở lại sau. Đến đầu tháng 7, Hoàng gọi lên hỏi thì được công ty trả lời “vẫn khó khăn do đơn hàng xuất khẩu chưa trở lại”.
“Tôi tiếp tục viết đơn xin việc vào công ty chuyên làm ốc vít ở quận 7 (TP HCM) nhưng không đạt nên đành khăn gói về quê làm nông”, anh Hoàng nói.
Ông Thắng, chủ một doanh nghiệp gỗ ở TP HCM rất thấu hiểu tình cảnh này của những người lao động như Hoàng. Ông kể, trước nay các đơn hàng xuất khẩu tại công ty mình chiếm 70%. Nhưng từ khi xuất hiện dịch, ông buộc phải ngưng xưởng làm hàng xuất khẩu và cho hơn 60% nhân viên công ty nghỉ việc, nhân viên còn lại sang xưởng sản xuất hàng nội địa.
“Thị trường nội địa hoạt động cũng còn cầm chừng nên doanh thu và lợi nhuận chỉ đủ trả chi phí cho người lao động có thu nhập”, ông Thắng nói.
May mắn hơn Hoàng, Sang, quê ở Hà Tĩnh, quản lý ở bộ phận dán đế giày tại Công ty PouYuen (quận Bình Tân, TP HCM) vừa bị thông báo nghỉ việc dù đã gắn bó với doanh nghiệp này gần 10 năm.
“Trước đó, ban lãnh đạo công ty thông báo sẽ cho nghỉ hàng loạt nhưng tôi không nghĩ rơi vào mình vì đã làm tới cấp quản lý. Mặc dù được doanh nghiệp trợ cấp khoảng 70 triệu đồng và sắp tới nhận thêm 40 triệu đồng trợ cấp thất nghiệp từ bảo hiểm, tôi vẫn thấy chật vật”, anh Sang nói.
Không thể xin việc tại các doanh nghiệp cùng ngành khác vì họ cũng đang giảm nhân sự, Sang đăng ký chạy xe ôm công nghệ. Những công việc không chuyên thì lương tuyển dụng chỉ ở mức 5-6 triệu đồng, theo Sang, không đủ chi phí cho gia đình có 2 con nhỏ.
“Nếu muốn có công việc ổn định mới chắc phải chờ thời gian dài nữa”, anh Sang nói.
Không chỉ những người lao động trên là “nạn nhân” của Covid-19, mà theo khảo sát của hầu hết hiệp hội ngành nghề, 6 tháng cuối năm tình trạng thất nghiệp sẽ còn gia tăng. Nhiều doanh nghiệp cho VnExpress biết phải cắt giảm 20-30% nhân sự trong nửa đầu năm. Riêng những doanh nghiệp lượng đơn hàng giảm tới 70% cũng đã “mạnh tay” cắt một nửa nhân sự để duy trì hoạt động. Một số nhỏ khác thì đã đóng cửa ngưng hoạt động.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM (HAWA), trong doanh nghiệp gỗ, mức giảm nhân sự bình quân 20-30%. Từ tháng 4 đến nay, các quốc gia là thị trường lớn của ngành gỗ Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, EU đều thông báo hủy, giảm, hoãn vô thời hạn các đơn hàng đã ký. Nhóm doanh nghiệp sản xuất mặt hàng nội thất là giường ngủ và sản phẩm nội thất đắt tiền chững lại. Do đó, ngoài việc cắt giảm nhân sự, nhiều doanh nghiệp còn cho nghỉ luân phiên và giãn cách để tránh cho thôi việc hàng loạt.
Cùng với ngành gỗ, nhóm dệt may, thêu đan đang chịu tổn thất và tác động nặng nề. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Thêu Đan TP HCM bộc bạch, các doanh nghiệp dệt may từ lớn cho đến nhỏ đang ngày càng “thấm đòn”.
Nếu đầu tháng 2, lượng đơn hàng giảm 20-30% thì nay hầu hết giảm trên 50%. Nhiều doanh nghiệp chuyển hướng sang may khẩu trang nhưng cũng không “ăn thua” vì các sản phẩm làm ra bán không được như kỳ vọng và đang chững lại.
Với doanh nghiệp nhỏ, tình trạng hàng tồn khẩu trang đang là bài toán khó giải quyết vì trong nước sức tiêu thụ chậm còn trên thế giới thì các thị trường như Mỹ, châu Âu đang “đóng băng”.
Ông Hồng nói, riêng thị trường Nhật Bản có khả quan hơn nhưng dự báo từ nay tới cuối năm cũng gặp khó. Tỷ lệ cho người lao động trong nhóm doanh nghiệp dệt may, thêu đan ở TP HCM nghỉ việc ở mức 25-30%. Mức này có thể sẽ còn tăng tới 40% vào cuối năm 2020.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho biết, đơn hàng thủy sản đang dần được cải thiện nhưng tỷ lệ doanh nghiệp cho người lao động thôi việc trong ngành này chiếm khoảng 20%. Nhiều doanh nghiệp đang bị giảm sút doanh thu nghiêm trọng.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, ước tính hết quý II, số người thất nghiệp tăng lên ở mức khoảng 1,5 triệu người, tăng hơn 200.000 người so với quý trước.
Khi cắt giảm, một số doanh nghiệp có khoản trợ cấp đáng kể hỗ trợ. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp nhỏ, lẻ, mức hỗ trợ này không nhiều và thậm chí không có vì bản thân công ty cũng “cạn kiệt”. Theo ông Hòe, doanh nghiệp thủy sản vốn dĩ lợi nhuận thu được không cao nên hầu như khi cho người lao động nghỉ việc sẽ không có trợ cấp từ doanh nghiệp.
Để tạo việc làm cho người lao động và giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ông Nguyễn Chánh Phương cho rằng, doanh nghiệp ngành gỗ cần chủ động nguồn nguyên vật liệu trong nước, giảm giá thành, sử dụng giao dịch thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến…
Đặc biệt, tập trung nghiên cứu, xây dựng thương hiệu gỗ Việt cho các sản phẩm gỗ và lâm sản được sản xuất từ nguồn nguyên liệu hợp pháp, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững để từng bước khẳng định uy tín, vị thế của sản phẩm gỗ Việt Nam tại các thị trường trong nước và quốc tế.
Với ngành dệt may, thủy sản, lãnh đạo hai hiệp hội trên cho rằng, doanh nghiệp cần tìm các thị trường thay thế. Với những thị trường trọng điểm, cần tạo sức cạnh tranh với các đối thủ bị tác động mạnh bởi Covid-19 mà chưa kiểm soát được để tăng thị phần.
Thi Hà
https://vnexpress.net/hang-loat-viec-lam-da-roi-theo-don-hang-4126746.html