Kể lại trường hợp “dở khóc dở cười” của mình, chị Tuyết (ngụ TP HCM) cho biết năm 2013 có mở thẻ tín dụng của một ngân hàng thương mại cổ phần, hội sở chính tại TP Hà Nội.
Trong quá trình sử dụng thẻ, chị đã chi tiêu số tiền hơn 6 triệu đồng và thời điểm đó do gia đình có việc đột xuất nên chị chậm trễ trong việc trả nợ đúng hạn.
“Một thời gian sau, ngân hàng cho nhân viên gọi nhắc tôi đi đóng số tiền trên. Lúc đó, tôi đang mang thai và có hứa sáng hôm sau sẽ ra ngân hàng đóng nhưng nhân viên này không ngừng xúc phạm tôi. Quá bức xúc, tôi gọi lên tổng đài của ngân hàng phản ánh thái độ nhân viên này nhưng không ai giải quyết, thậm chí còn bị một số người lạ gọi điện đe doạ” – chị Tuyết kể.
Cũng theo lời chị Tuyết, thời điểm đó chị đang mang thai nhưng liên tục nhận được cuộc gọi từ số máy lạ “khủng bố”, “đòi nợ” nên chị không sử dụng số điện thoại đó nữa. Khoản nợ vì thế cũng bị treo lại…
Đến cuối tháng 6-2020, do gia đình có việc phải vay vốn ngân hàng. Chị liên hệ một ngân hàng thương mại cổ phần khác hỏi vay, mới biết đang có khoản nợ xấu treo trên hệ thống của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia – CIC. Đây là khoản nợ thẻ tín dụng nhiều năm trước của chị chưa tất toán…
Trao đổi với Báo Người Lao Động, đại diện ngân hàng cổ phần nơi phát hành thẻ tín dụng cho chị Tuyết năm 2013, xác nhận khoản nợ từ hơn 6 triệu đồng, sau 7 năm, gốc, lãi phát sinh và lãi phạt lên hơn 57 triệu đồng. Để hỗ trợ khách hàng, ngân hàng đã hỗ trợ miễn, giảm một phần lãi vay tạo điều kiện cho chị Tuyết có thể tất toán.
Theo quy định, nếu đã có nợ xấu phát sinh trên CIC, khách hàng sẽ không thể tiếp tục vay vốn ở ngân hàng khác. Muốn vay, khách hàng phải tất toán khoản nợ và đến kỳ xem xét, CIC sẽ xóa thông tin nợ xấu.
“Sau khi làm đơn xin được miễn, giảm gốc và lãi vay, tôi phải thanh toán tổng cộng gần 40 triệu đồng. Bài học quá đắt từ món nợ thẻ tín dụng” – chị Tuyết bộc bạch.
Chuyên gia tài chính, TS Huỳnh Trung Minh nhận định thẻ tín dụng cũng là một khoản vay tín chấp nên khi khách hàng điền đơn yêu cầu cấp thẻ cũng là đã ký hợp đồng tín dụng. Do đó, về nguyên tắc khách hàng phải có nghĩa vụ thanh toán nợ đúng hạn. Khi khách hàng trả trễ, hệ thống ngân hàng sẽ tự động tính lãi quá hạn, lãi phạt và cộng vào nợ gốc, khiến tổng chi phí khoản nợ phải trả sau nhiều năm sẽ tăng lên rất cao so với nợ gốc.
“Trước khi vay hoặc dùng thẻ tín dụng, người tiêu dùng nên lập kế hoạch tài chính nhằm trả nợ đúng hạn, tránh bị ảnh hưởng đến uy tín tài chính và phát sinh những khoản lãi ngoài ý muốn, cũng tránh bị ghi nhận trên CIC nếu không may có nợ xấu, làm ảnh hưởng đến những dự định tài chính sau này” – TS Huỳnh Trung Minh chia sẻ
Người lao động (https://nld.com.vn/kinh-te/no-the-tin-dung-hon-6-trieu-7-nam-sau-bi-doi-gan-60-trieu-dong-20200706104031018.htm)