Cuộc đua chuỗi nhà thuốc của Thế Giới Di Động và FPT Retail

Đều bắt đầu từ thâu tóm một chuỗi nhà thuốc nhỏ nhưng sau hai năm, số cửa hàng của FPT Retail gấp 5 lần Thế Giới Di Động.

Cuối năm 2017, hai doanh nghiệp đầu ngành bán lẻ lần lượt mua lại chuỗi nhà thuốc tại TP HCM. Trong khi Thế Giới Di Động nhanh chóng thay tên, đổi chủ 20 cửa hàng dược phẩm Phúc An Khang thì FPT Retail có phần dè dặt hơn với chuỗi Long Châu.

Thời gian đầu, bà Nguyễn Thị Bạch Điệp, Chủ tịch HĐQT FPT Retail từng tiết lộ đây là ngành hàng “có quy mô thị trường khoảng 5 tỷ USD và chưa xác định được đối thủ dẫn đầu rõ rệt”. Thậm chí, việc M&A một số cửa hàng, vận hành thử nghiệm này mới là “bằng tiền cá nhân” và bà cam kết không ảnh hưởng đến hoạt động chủ lực của công ty. Nhưng một năm sau, khi quá trình này ổn định, FPT Retail đã thành lập một công ty để quản lý chuỗi nhà thuốc với vốn điều lệ 100 tỷ đồng và nắm giữ 75% cổ phần.

“Nếu bước dò dẫm vào ngành hàng mang tính đặc thù, chúng tôi có khả năng thiệt hại lớn. Do đó, việc mua lại chuỗi nhà thuốc Long Châu (TP HCM) vào cuối năm ngoái giúp công ty hạn chế tối đa rủi ro”, bà Điệp chia sẻ vài tháng sau đó.

Thời điểm đó, chuỗi nhà thuốc này đã có 26 cửa hàng với doanh thu bình quân hàng tháng khoảng 2 tỷ đồng mỗi cửa hàng.

Một trong những nhà thuốc thuộc chuỗi của FPT Retail. Ảnh: Phương Đông.

Một trong những nhà thuốc thuộc chuỗi của FPT Retail. Ảnh: Phương Đông.

Người đứng đầu FPT Retail khẳng định đây là ngành hàng tiềm năng bởi quy mô thị trường tương đương ngành hàng điện thoại nhưng lại không phụ thuộc vào tình hình kinh tế nên tốc độ tăng trưởng luôn đảm bảo hai chữ số và chi tiêu của người Việt Nam cho dược phẩm vẫn còn thấp.

Bên kia “chiến tuyến”, Thế Giới Di Động cũng ghi nhận kết quả kinh doanh của đơn vị quản lý chuỗi nhà thuốc An Khang vào báo cáo tài chính bán niên. Phần lỗ từ việc sở hữu 49% công ty bán lẻ dược phẩm này hơn 730 triệu đồng và giá trị đầu tư còn lại khoảng 61 tỷ đồng. Số liệu tài chính thể hiện trên báo cáo chênh lệch khá lớn so với tuyên bố của ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch HĐQT tại phiên họp thường niên trước đó vài tháng.

Khi đó, ông Tài cho biết sẽ dành khoảng 500 tỷ đồng để mua tối thiểu 20% cổ phần chuỗi bán lẻ dược phẩm và tiếp tục nâng dần tỷ lệ sở hữu để nắm quyền chi phối. Điều này giúp rút ngắn quá trình phát triển mô hình kinh doanh dược phẩm thay vì mất 2-3 năm tìm hiểu. Công ty cũng thông báo tuyển dụng dược sĩ phụ trách chuyên môn tại TP HCM với các yêu cầu như quan hệ tốt với Sở Y tế, chuyên gia đầu ngành… nhằm hỗ trợ thẩm định hồ sơ kinh doanh ngành dược và tư vấn chuyên môn cho các cửa hàng.

Sau giai đoạn bứt phá ban đầu, Thế Giới Di Động chủ động giảm nhịp độ rót vốn vào dược phẩm để tập trung cho ngành hàng bán lẻ thực phẩm.

Ban lãnh đạo công ty cho hay kế hoạch bành trướng chuỗi nhà thuốc bị “treo” để đánh giá rủi ro. Công ty vẫn là cổ đông lớn và đứng phía sau hỗ trợ chuỗi nhà thuốc. Thông tin về An Khang được đề cập thưa thớt dần trong các buổi trao đổi với nhà đầu tư.

Gần nhất vào đầu tháng này, ông Tài nhắc lại câu chuyện đầu tư vào dược phẩm có nhiều rủi ro pháp lý nên không sẵn sàng lao vào. Ông đánh giá quy định về kinh doanh nhà thuốc còn mập mờ, điển hình như giấy đăng ký kinh doanh cửa hàng dược phẩm đều do cá nhân, dược sĩ đứng tên chứ không phải công ty sở hữu.

“Chúng tôi mua An Khang không vì mục đích mua đi bán lại như tổ chức tài chính. Đây là lĩnh vực rất thú vị”, ông nói và nhấn mạnh sẽ trở lại khi quy định kinh doanh ngành này rõ ràng, phù hợp các nguyên tắc quản trị của doanh nghiệp.

Dù vậy, thông tin từ website chuỗi nhà thuốc, Thế Giới Di Động vẫn duy trì 20 cửa hàng tại TP HCM với lưu lượng khách khoảng 4.000 lượt mỗi ngày.

Một nhà thuốc của Thế Giới Di Động tại TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần.

Một nhà thuốc của Thế Giới Di Động tại TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần.

Trong lúc Thế Giới Di Động tìm lời giải cho bài toán phát triển chuỗi, FPT Retail đã tranh thủ nới rộng khoảng cách.

Công ty tuyên bố “tìm ra công thức thành công” khi đã có 100 cửa hàng tại 30 tỉnh, thành phố tính đến giữa tháng này. Mỗi cửa hàng đều bán thuốc kê đơn, không kê đơn, thực phẩm chức năng và dược phẩm mỹ phẩm. Dự kiến đến cuối năm, số lượng cửa hàng tăng lên khoảng 200-220 và chiếm khoảng 30% thị phần kênh bán dược phẩm qua nhà thuốc trong 2-3 năm tới, tương đương đóng góp 5.000 tỷ đồng doanh thu.

Kế hoạch này cho thấy tham vọng lớn của FPT Retail trong hành trình tìm trợ lực thay thế ngành hàng điện thoại và laptop, bởi doanh thu mảng dược phẩm năm ngoái mới đạt 10% của 5.000 tỷ và lỗ trước thuế lên đến 40 tỷ đồng.

Ba tháng đầu năm, công ty thu thêm 240 tỷ đồng nhưng không bóc tách lợi nhuận. Nhiều khả năng mảng này tiếp tục kinh doanh dưới giá vốn bởi ngoài tốn khoảng 1,6-2 tỷ đồng ban đầu cho mỗi cửa hàng thì công ty còn đặt mục tiêu kiểm soát hệ thống bán lẻ điện tử, xây dựng mảng hậu cần và phát triển nhân sự trình độ chuyên môn cao.

Phương Đông

https://vnexpress.net/cuoc-dua-chuoi-nha-thuoc-cua-the-gioi-di-dong-va-fpt-retail-4102085.html

Có thể bạn quan tâm

Tiêu hủy 11.200 chiếc bugi giả mạo nhãn hiệu NGK tại Quảng Ninh

Ngày 23/8, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh phối hợp với các cơ …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *