Nhiều người mua bảo hiểm xe máy để ‘đối phó’

Trước thông tin cảnh sát tổng kiểm soát phương tiện và giấy tờ xe, nhiều tài xế xe máy vội vàng mua bảo hiểm bắt buộc để “đối phó”.

Người dân đi mua bảo hiểm để đối phó với cảnh sát

Người dân mua bảo hiểm trên vỉa hè đường Hồ Tùng Mậu, Cầu Giấy, sáng 18/5. Ảnh: Phương Sơn

Sáng 18/5, đường Hồ Tùng Mậu (quận Cầu Giấy), đoạn cạnh công viên Mai Dịch trở thành ‘”chợ” bảo hiểm xe máy với cả chục người bán liên tục đón khách tới mua. Cầm tập bảo hiểm trên tay, chị Đoàn Thị Hà (ở Hưng Yên) điền thông tin cho khách hàng và thu tiền. Trong khoảng nửa giờ, hơn chục tài xế chủ yếu là sinh viên và lái xe ôm đã đến mua bảo hiểm bắt buộc với xe máy do chị Hà bán.

“Trước đợt tổng kiểm soát phương tiện, tôi ngồi đây cả ngày chỉ vài người mua, nhưng từ ngày 15/5 đến nay, số khách mua tăng đột biến, có ngày bán được hơn 40 bảo hiểm loại bắt buộc, giá 50.000 đồng”, chị Hà nói.

Tài xế xe ôm Nguyễn Văn Tuấn (ở Nam Định) giải thích lý do mua bảo hiểm bắt buộc “tôi nghe các đồng nghiệp nói từ ngày 15/5, CSGT tổng kiểm tra phương tiện và giấy tờ của tài xế (đăng ký, bằng lái xe, đăng kiểm và giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự), nên vội đi mua để đối phó”.

Theo anh Tuấn, bảo hiểm để phòng trường hợp không may xảy ra, việc thiếu loại giấy tờ này không ảnh hưởng đến quá trình tham gia giao thông, do vậy cảnh sát không nên xử phạt người dân nếu họ chưa kịp mua bảo hiểm.

Anh Nguyễn Văn Thắng ở huyện Đan Phượng mua bảo hiểm cho ba chiếc xe máy, gồm hai chiếc xe cũ. “Tôi có chiếc xe cũ, thi thoảng dùng để đi chợ gần nhà nhưng cũng phải mua bảo hiểm vì sợ bị cảnh sát kiểm tra”, anh Thắng nói.

Mua bảo hiểm để đối phó với cảnh sát - 2

Cục CSGT kiểm tra giấy tờ, trong đó có bảo hiểm bắt buộc của chủ xe ôtô trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng hôm 15/5. Ảnh: Phương Sơn 

Về việc lâu nay nhiều người dân không quan tâm đến bảo hiểm xe máy, đến đợt tổng kiểm tra này mới đổ xô đi mua, luật sư Vũ Tiến Vinh (đoàn luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận “trong thực tế, khi xảy ra tai nạn xe máy người dân thường tự hòa giải, thương lượng với nhau”. Nhiều người chưa quan tâm đến mua loại bảo hiểm này do thủ tục yêu cầu chi trả phức tạp, trong khi các bên đều muốn giải quyết nhanh chóng.

Với tình trạng trên, bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với xe máy tuy ý nghĩa tốt, nhưng chưa thực sự phát huy tác dụng theo yêu cầu. Ngược lại, nhiều người dân đang nhìn đây một “thủ tục nhiêu khê”, vì nếu không mang giấy bảo hiểm bên người thì có thể bị xử phạt.

Theo ông Vinh, pháp luật cần quy định trách nhiệm bồi thường, chi trả của đơn vị cung cấp dịch vụ bảo hiểm nhanh chóng, thuận tiện hơn, để người tham gia bảo hiểm thấy được lợi ích của họ và tham gia đầy đủ hơn.

Luật sư Nguyễn Văn Hùng (đoàn luật sư TP Hà Nội) cũng cho rằng, việc mua bán bảo hiểm không có hợp đồng, quy chế cam kết cụ thể sẽ ảnh hưởng đến việc thụ hưởng bảo hiểm của người dân.

“Để tránh tình trạng người dân mua bảo hiểm chỉ để đối phó, cần quy định chặt chẽ hơn các điều kiện bán bảo hiểm và hợp đồng ký kết giữa các bên kèm theo điều khoản ràng buộc trách nhiệm”, ông Hùng nói.

Theo thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng tuyên truyền, giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT), quy định tài xế phải mua bảo hiểm bắt buộc khi tham gia giao thông đã có lâu nay. Trong đợt tổng kiểm soát lần này, lực lượng chức năng tập trung vào các lỗi nguy cơ gây tai nạn giao thông cao, như nồng độ cồn, ma túy, lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ…

“Kiểm tra giấy tờ xe của tài xế là công việc hàng ngày của cảnh sát chứ không phải đến khi có tổng kiểm soát mới làm. Hơn nữa, trong đợt này, việc kiểm tra giấy tờ xe không phải mục đích chính”, thượng tá Nhật giải thích.

Khác biệt giữa các đợt kiểm tra của CSGT. Đồ họa: Bá Đô-Tạ Lư

Khác biệt giữa các đợt kiểm tra của CSGT. Đồ họa: Bá Đô-Tạ Lư

Từ ngày 15/5 đến ngày 14/6, CSGT trên toàn quốc mở đợt tổng kiểm soát phương tiện quy mô lớn, được phép dừng xe kiểm tra các loại giấy tờ, trong đó có bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy.

Điều 58, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện phải mang theo: Giấy đăng ký xe; Bằng lái xe; Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới; Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Trường hợp không mang hoặc không có sẽ bị phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng với xe máy.

Bá Đô

Có thể bạn quan tâm

Ông Trần Quí Thanh nộp hơn 183 tỉ đồng dù phủ nhận cáo buộc chiếm đoạt tài sản

Sau 7 tháng bị bắt tạm giam, cha con ông Trần Quí Thanh đã nộp …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *