Bỏ luôn xe vi phạm nồng độ cồn, sẽ bị phạt thế nào?

Nếu xe quá cũ, giá trị thấp, không đóng phạt, từ bỏ lấy xe thì sau này chạy xe lỡ bị vi phạm tiếp tục về nồng độ cồn thì bị xử lý thế nào?

Đang dịp gần tết, khắp nơi đều tổ chức tiệc tùng. Do đó tôi khá lo lắng về nồng độ cồn. Cho tôi hỏi, vi phạm nồng độ cồn ở mức bao nhiêu thì bị xử phạt hành chính đối với xe máy và xe ô tô. Mức xử phạt thấp nhất là bao nhiêu, cao nhất bao nhiêu? Khi nào bị phạt bổ sung như là bị giam xe và bị tước giấy phép lái xe, với thời hạn bao lâu?

Nếu phát hiện có công an, không chạy xe tiếp mà dẫn bộ có được không? Giả sử bị lập biên bản xử phạt, nhưng không bị giam xe, có được tiếp tục lái xe về nhà không?

Bị tước giấy phép lái xe, những ngày sau đó vẫn lén chạy xe đi làm. Nếu bị thổi phạt tiếp do vi phạm nồng độ cồn, có bị xử nặng hơn không. Hình thức xử phạt trong trường hợp này như thế nào?

Xe quá cũ, giá trị thấp, không đóng phạt, từ bỏ lấy xe, sau này chạy xe lỡ bị vi phạm tiếp tục thì bị xử lý ra sao?

Bạn đọc Trịnh Công.

Luật sư tư vấn

Luật sư – TS Nguyễn Thị Kim Vinh (Công ty luật TNJ, nguyên thẩm phán TAND tối cao) tư vấn:

Luật sư – TS Nguyễn Thị Kim Vinh (Ảnh: NVCC)

*Vi phạm nồng độ cồn là bị tạm giữ xe, tước bằng lái?

Theo Nghị định 123 năm 2021, người có thẩm quyền được tạm giữ phương tiện trong trường hợp một người có hành vi điều khiển phương tiện khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Căn cứ điều 5 và điều 6 Nghị định 123 năm 2021, đối với người điều khiển phương tiện giao thông, cứ có nồng độ cồn trong máu, không phân biệt là ít hay nhiều, đều bị tạm giữ phương tiện, tước giấy phép lái xe có thời hạn.

Quậy tưng bừng chốt đo nồng độ cồn: ‘Tặng nhà nước chiếc xe luôn’

*Mức phạt nồng độ cồn đối với xe máy, ô tô

Theo quy Nghị định 123, người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu, hoặc hơi thở có nồng độ cồn, tùy vào mức vi phạm, sẽ bị phạt tiền từ 6 triệu đến 40 triệu đồng; đối với xe máy là từ 2 – 8 triệu đồng.

Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 10 – 24 tháng. Việc công an tạm giữ xe sau khi lập biên bản không phải là hình phạt bổ sung, mà là để ngăn chặn ngay vi phạm hành chính.

*Thấy công an, dẫn bộ xe được không?

Hành vi dẫn bộ xe mà trong máu, hoặc hơi thở có nồng độ cồn thì không bị xử lý (điều 3 luật Giao thông đường bộ).

Tuy nhiên, nếu bị kiểm tra mà phát hiện có hình ảnh, băng ghi hình chứng minh người dẫn bộ xe đã có hành vi điều khiển xe trước đó, nhưng dừng lại dẫn bộ để trốn tránh cảnh sát giao thông thì vẫn bị xử lý.

*Bị xử phạt, có được lái xe về nhà?

Mọi trường hợp bị lập biển bản về lỗi điều khiển phương tiện khi trong máu, hoặc hơi thở có nồng độ cồn đều bị tạm giữ phương tiện, để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, nếu trường hợp bị lập biên bản, nhưng không bị tạm giữ xe thì cũng không được phép tự lái xe về nhà. Người vi phạm tiếp tục tự lái xe về, nếu bị phát hiện vẫn có thể bị xử phạt tiếp.

*Bị tước giấy phép lái xe nhưng vẫn chạy, bị xử lý sao?

Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, cá nhân, tổ chức không được tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề (điều 25 luật Xử lý vi phạm hành chính). Nếu tiếp tục chạy xe, người vi phạm sẽ bị xử phạt như hành vi không có giấy phép, chứng chỉ hành nghề (khoản 4 điều 81 Nghị định 123).

CSGT TP.HCM kiểm tra nồng độ cồn (Ảnh: Độc Lập)

Căn cứ điều 2 Nghị định 123, mức phạt đối với hành vi điều khiển phương tiện giao thông không có có giấy phép lái xe, như sau:

Phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng đối với người điều khiển xe máy 2 bánh có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe máy.

Phạt tiền từ 4 – 5 triệu đồng đối với người điều khiển xe mô tô 2 bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, xe máy 3 bánh.

Phạt tiền từ 10 – 12 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô.

Nếu đã bị xử phạt, mà tiếp tục vi phạm về nồng độ cồn trong thời gian 1 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính thì bị coi là tái phạm. Đây được xem là tình tiết tăng nặng khi áp dụng mức phạt, do đó có thể bị xử phạt nặng hơn (điều 2, 7, 10 luật Xử lý vi phạm hành chính).

*Chê xe rẻ tiền, có nên từ bỏ xe bị phạt do vi phạm nồng đồ cồn?

Nếu xe quá cũ, giá trị thấp, không đóng phạt, từ bỏ lấy xe thì sau này chạy xe lỡ bị vi phạm tiếp tục về nồng độ cồn thì bị xử lý thế nào?

Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề không quá 7 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ. Trường hợp vụ việc phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt, thì thời hạn tạm giữ không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ (điều 125 luật Xử lý vi phạm hành chính).

*Chật cứng bãi tạm giữ xe vi phạm: Quá tải và lãng phí

Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ khi hết thời hạn tạm giữ mà người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận, mà không có lý do chính đáng, thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho họ 2 lần (điều 126 luật Xử lý vi phạm hành chính).

Hết thời hạn 1 tháng, kể từ ngày thông báo lần thứ 2 nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý, hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận, thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Như vậy, người vi phạm bị áp dụng biện pháp tạm giữ xe, mà không đến đóng phạt trong thời hạn quy định, thì sẽ bị tịch thu phương tiện. Nếu sau này tiếp tục vi phạm về nồng độ cồn, ngoài việc bị xử phạt mà còn phải chấp hành quyết định xử phạt đã có hiệu lực trước đó, thì mới được xem là hoàn thành các nghĩa vụ đối với Nhà nước.

Theo Ngân Nga/Thanhnien.vn

Có thể bạn quan tâm

Nhiều hàng quán ‘hot’ tại TPHCM đóng cửa: Mặt bằng đắt đỏ, khó trụ lại?

Nhiều thương hiệu, quán ăn tồn tại lâu đời tại TPHCM bất ngờ thông báo …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *