Do các khoản tiền đầu tư, vay mượn hai bên không có biên nhận nên khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt, ông Nguyễn Cao Trí đã cho lập khống và ký các thủ tục thanh lý hợp đồng chuyển nhượng cổ phần Công ty Văn Lang, hợp đồng ủy thác đầu tư… nhằm chiếm đoạt số tiền 1.000 tỷ đồng đã nhận.
Trong vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB, ngoài bị can Trương Mỹ Lan, Cơ quan CSĐT Bộ Công an còn làm rõ hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của đại gia Nguyễn Cao Trí (SN 1970, quê Lâm Đồng, trú tại TP.HCM).
Cụ thể, ông Nguyễn Cao Trí sở hữu 2 hệ sinh thái gồm: Tập đoàn Capella có 28 công ty con hoạt động về lĩnh vực bất động sản, kinh doanh nhà hàng, khách sạn… và Tập đoàn giáo dục Văn Lang có 7 đơn vị thành viên hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục. Trong đó, giữ vai trò trung tâm là 2 Công ty mẹ: Công ty CP Đầu tư và Quản lý giáo dục Văn Lang và Công ty CP Tập đoàn Capella.
Đại gia Nguyễn Cao Trí sở hữu sở hữu hệ sinh thái đa ngành từ bất động sản, giáo dục, F&B,..
Trong đó, Nguyễn Cao Trí là Chủ tịch HĐQT, người đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc. Capella sở hữu 100% hoặc đồng sở hữu 28 công ty con, trong đó có các công ty liên quan trong vụ án gồm: Công ty CP Cao su Công nghiệp; Công ty CP Đầu tư Du lịch Sài Gòn Đại Ninh, Công ty TNHH Capella Hospitality; Công ty CP Long Thành Investments; Công ty CP Tập đoàn Bến Thành Holdings Group…
Capella sở hữu nhiều dự án lớn tại TP.HCM, Lâm Đồng và Quảng Ninh như: Khu Đô thị thương mại, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh; Trung tâm Thể thao Thành Long; Khu công nghiệp đô thị dịch vụ Hải Hà mở rộng 1 và mở rộng 2; Khu du lịch nghỉ dưỡng Vĩnh Thực (4.598 ha), Khu Thể Thao & Văn Hóa Huyện Hải Hà – Quảng Ninh (5,7 ha); Trung tâm Hội nghị tiệc cưới Capella Gallery Hall (953 m2); Trung Tâm hội nghị tiệc cưới Riverside Palace (4.602 m2)…
Chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng của bà Trương Mỹ Lan
Do quen biết, từ năm 2017 – 2020, bà Trương Mỹ Lan- Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã hợp tác với ông Nguyễn Cao Trí để đầu tư dự án, mua cổ phần một số công ty của ông Trí.
Theo thỏa thuận, ông Trí đã nhiều lần nhận tiền của bà Lan, thông qua những người giúp việc của bà Lan với tổng cộng 1.000 tỷ đồng.
Trong đó, ông Trí và bà Lan thống nhất sẽ chuyển nhượng 65% vốn điều lệ Công ty Cao su Công nghiệp với giá 45 triệu USD. Bà Lan đã thanh toán cho ông Trí số tiền 21,25 triệu USD, tương ứng hơn 476 tỉ đồng để mua 31,22% vốn điều lệ ông Trí đang sở hữu.
Do số cổ phần bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 5 năm, ông Trí và bà Lan thống nhất ký “hợp đồng ủy thác đầu tư” và để ông Hồ Quốc Minh (là người quen, môi giới của bà Lan) cùng người thân quen của ông Trí đứng tên trên hợp đồng.
Tiếp đó, bà Lan thỏa thuận với ông Trí mua 100% vốn điều lệ Công ty Sài Gòn Đại Ninh với giá trị 3.000 tỷ đồng. Bà Lan đã đặt cọc và 5 lần chuyển tiền cho ông Trí tổng cộng 20 triệu USD, tương ứng hơn 463 tỷ đồng.
Thực tế, ông Trí khai nhận 1 triệu USD, tương ứng hơn 23 tỷ đồng và 127 tỷ đồng tiền Việt Nam Đồng; còn 19 triệu USD chỉ ghi nhận tiến độ thanh toán nhưng chưa nhận tiền.
Ngoài ra, ông Nguyễn Cao Trí và bà Trương Mỹ Lan còn thỏa thuận để bà Lan tham gia đầu tư vào dự án tại huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, thanh toán tiền theo tiến độ phát sinh chi phí. Bà Lan đã 2 lần thanh toán cho ông Trí, tổng cộng 9,5 triệu USD, tương ứng hơn 220 tỷ đồng.
Kết luận điều tra cho hay, nhiều khoản tiền đầu tư và vay giữa hai bên không có giấy tờ, biên nhận. Vì vậy, tháng 1/2021, ông Trí gặp bà Lan tại nhà hàng Ngân Đình, tòa nhà TimeSquare (TP.HCM), để thống nhất chốt các khoản đầu tư mà ông Trí nhận của bà Lan, tổng cộng là 1.000 tỷ đồng.
Để đảm bảo tín nhiệm và tin tưởng cho 1.000 tỷ đồng, Trí thống nhất chuyển nhượng cho Lan 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang và thống nhất với Lan để Hồ Quốc Minh đứng tên sở hữu cổ phần.
Ngày 7/10/2022, khi bà Lan bị khởi tố, bắt tạm giam, đến ngày 21-22/10/2022, ông Trí chỉ đạo trợ lý của mình là Bùi Anh Tuấn soạn thảo các văn bản điều chỉnh giá và thanh lý toàn bộ hợp đồng chuyển nhượng 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang đã ký theo thỏa thuận với Trương Mỹ Lan.
Tiếp đó, ông Trí hoàn thiện hồ sơ và làm thủ tục xác nhận chuyển nhượng 10% vốn điều lệ từ ông Hồ Quốc Minh sang em trai ông Trí và nhân viên kế toán Công ty Văn Lang. Cùng với đó, ông Trí yêu cầu ông Hồ Quốc Minh ký hồ sơ thanh lý hợp đồng chuyển nhượng 10% vốn điều lệ tại Công ty Văn Lang và bản thanh lý Hợp đồng ủy thác đầu tư 31,22% vốn điều lệ Công ty Cao su Công nghiệp.
Cơ quan điều tra xác định, ông Nguyễn Cao Trí đã tự ý lập, hoàn thiện hồ sơ thanh lý hợp đồng chuyển nhượng, thanh lý hợp đồng ủy thác đầu tư trị giá 1.000 tỷ đồng mà không trao đổi với bà Lan, nhằm xóa bỏ quyền sở hữu đối với 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang, chiếm đoạt tiền đã nhận của Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Nộp khắc phục hậu quả 640 tỷ đồng
Quá trình làm việc với cơ quan điều tra từ ngày 26/12/2022 đến ngày 15/1/2023, ông Trí vẫn khẳng định không có quan hệ kinh tế, không nhận bất cứ khoản tiền nào của bà Lan, không biết quan hệ chuyển nhượng cổ phần Công ty Văn Lang; chỉ thừa nhận gặp ông Hồ Quốc Minh tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) là tình cờ, không giao cho ông Hồ Quốc Minh ký bất cứ tài liệu, giấy tờ gì.
Dù đã có kết quả giám định tài liệu xác định chữ viết của ông Trí trong các tài liệu theo dõi, xác nhận số tiền đã nhận từ bà Lan, ông Trí vẫn ngoan cố không thừa nhận hành vi. Thậm chí, đại gia này còn cho rằng Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vu khống, bôi nhọ danh dự của mình.
Chính vì vậy, bà Trương Mỹ Lan có đơn yêu cầu làm rõ, xử lý hành vi của ông Trí và thu hồi số tiền 1.000 tỷ đồng để giải quyết theo quy định pháp luật.
Đến nay, ông Trí khai nhận hành vi phạm tội và có đơn đề nghị nộp tiền khắc phục. Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã thu giữ tài sản khi khám xét (trên 93 tỷ đồng), kê biên 7 bất động sản do vợ chồng ông Trí đứng tên (tổng trị giá hơn 266 tỷ đồng) và gia đình đại gia này đã nộp hơn 640 tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả; tổng cộng trên 1.001 tỷ đồng.
Theo Hà Ly (t/h)/Antt.nguoiduatin.vn