Bộ trưởng Lê Minh Hoan: TP HCM có cơ chế đặc thù cũng là ‘vận hội’ của miền Tây

Cơ chế đặc thù không chỉ giúp TP HCM phát triển mà là “vận hội” để Đồng bằng sông Cửu Long nắm bắt, theo ông Lê Minh Hoan.

Nhận định được Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn nêu trong phiên toàn thể của Diễn đàn Mekong Connect 2023 sáng 16/11. “Vận hội” mới theo ông là Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, chính thức có hiệu lực từ 1/8.

Chính sách này có 7 mũi đột phá, được cho là góp phần tạo không gian tăng trưởng tốt hơn cho đầu tàu kinh tế. Theo Bộ trưởng Nông nghiệp, mọi sự phát triển của TP HCM sẽ lan tỏa khắp vùng như hiệu ứng cánh bướm, cần sớm tận dụng.

“Đó là kỳ vọng của trung ương, của Quốc hội khi ban hành cơ chế đặc thù cho TP HCM, chứ không phải của riêng TP HCM. Chính vì vậy tôi hy vọng 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long như đón vận hội của mình”, ông Hoan nói.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại Mekong Connect 2023, sáng 16/11. Ảnh: Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao

Mekong Connect là diễn đàn thường niên thảo luận về liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Sự kiện năm nay tổ chức tại TP HCM với sự chủ trì của UBND TP HCM, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học – Công nghệ.

Ông Lê Minh Hoan cho rằng, những thành tựu kinh tế mà TP HCM đạt được thời gian qua có sự đóng góp lớn của miền Tây. Ngược lại, nơi đây có nhiều cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế, thị trường tiêu thụ rộng lớn. Việc liên kết chặt chẽ với TP HCM sẽ mở thêm cơ hội cho các tỉnh.

“Tiếp cận được TP HCM là gần hơn một bước đến thị trường quốc tế”, ông nhận xét. Ông khuyến khích TP HCM chia sẻ thông tin thị trường chi tiết, cụ thể hơn để vùng canh tác, sản xuất và các ý tưởng khởi nghiệp ở miền Tây có thể nắm bắt.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết địa phương cũng đã được Quốc hội ban hành Nghị quyết 45 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển năm 2022.

Vì vậy, hai thành phố và các tỉnh có thể cùng bắt tay hợp tác phân tích, tìm kiếm những ngành hàng tiềm năng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, bền vững. “Chúng ta nên cùng liên kết tận dụng cơ chế đặc thù của nhau để tạo ra hệ sinh thái cho doanh nghiệp phát triển”, ông Trường nhận định.

Nằm giữa hai trung tâm kinh tế vùng có chính sách đặc thù, Bến Tre nhìn thấy cơ hội của mình. “Chúng tôi tự nhận diện mình đang nằm giữa hai trung tâm này, đang cố gắng tận dụng mọi điều kiện, lợi thế để thúc đẩy liên kết, đồng hành phát triển kinh tế vùng và cho tỉnh nhà”, Phó chủ tịch Nguyễn Trúc Sơn nói.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, địa phương đã ký kết liên kết với 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long từ 2015, trong 6 lĩnh vực: giao thông, du lịch, xúc tiến thương mại, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển khoa học công nghệ – chuyển đổi số, và phát triển nguồn nhân lực.

Thời gian qua, đã có nhiều chương trình thảo luận, đóng góp ý kiến các dự án, giao lưu thương mại diễn ra. Sắp tới, TP HCM sẽ phối hợp với miền Tây để phát triển 4 hành lang kinh tế, gồm: hành lang đô thị công nghiệp; hành lang sông Tiền – sông Hậu; hành lang ven biển và hành lang biên giới.

Tuy nhiên, các chuyên gia dự diễn đàn thừa nhận, liên kết vùng thời gian qua chưa tốt. Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ cho biết Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đầu tiên được chính phủ ban hành quy hoạch nhưng sau 2 năm triển khai, “kết quả thực thi chính sách liên kết vẫn chưa phát huy được hiệu lực và hiệu quả cao nhất”.

Chủ tịch Cần Thơ Trần Việt Trường nói vùng đã hình thành đa dạng các chuỗi liên kết, nhưng ngành hàng chủ lực – lúa gạo, cây ăn trái hoa màu và thủy sản – lại là liên kết yếu nhất, hiệu quả chưa cao, vẫn còn tình trạng “bẻ kèo” khi giá cả thị trường thay đổi. Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP HCM Lý Kim Chi cũng chứng kiến điều này. “Tất cả nguyên liệu ngành chúng tôi có đầu vào từ đồng bằng nhưng liên kết còn rời rạc, chưa căn cơ và phối hợp đồng bộ với nhau”, bà nói.

Để vùng có thể tận dụng thêm cơ hội Nghị quyết 98, bà Chi cho rằng cần cho thêm chính sách. Bà Chi ví dụ doanh nghiệp xây kho lạnh ở TP HCM sẽ hưởng các ưu đãi theo Nghị quyết 98 nhưng đầu tư ngoài thành phố lại không, trong khi gần vùng nguyên liệu và điều kiện mặt bằng thuận lợi hơn. Do đó, bà cho rằng Hội đồng tư vấn liên kết vùng cần đề xuất xây dựng một chính sách liên kết vùng có thể hưởng được các ưu đãi trong Nghị quyết 98.

Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch công ty Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, nói Đồng bằng sông Cửu Long có 3 vựa hàng hóa nông sản lớn gồm: lúa gạo, rau củ quả, và thủy sản. Tuy nhiên, cơ chế chính sách đầu tư cho 3 vựa này còn tương đối bất cập. “Phải có cơ chế phát triển các mặt hàng này bền vững, một cách cụ thể và lãnh đạo địa phương đưa vào được trong cuộc sống”, ông nêu.

Từ phải sang, PGS TS Lê Anh Tuấn, ông Phạm Thái Bình và bà Lý Kim Chi thảo luận tại diễn đàn sáng 16/11. Ảnh: Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao

Nắm bắt “vận hội”, hiện thực hóa các chính sách và tổ chức liên kết với nhau tốt hơn đang là bài toán cấp thiết trong bối cảnh miền Tây đối diện cùng lúc 3 thách thức về kinh tế, môi trường và xã hội.

Tóm tắt sơ lược Báo cáo Kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được VCCI Cần Thơ công bố tháng sau, ông Nguyễn Phương Lam cho biết tốc độ tăng trưởng của miền Tây đang giảm, do chậm chuyển đổi cơ cấu kinh tế và cơ sở hạ tầng hạn chế. Điều này khiến các tỉnh, thành rất khó thu hút đầu tư, dẫn đến thiếu việc làm.

Điều đó gây hệ quả xã hội là có đến 1,1 triệu người di dân khỏi miền Tây thập niên qua – tương đương dân số một tỉnh của vùng. Cùng với đó, điều kiện tự nhiên suy kiệt dần. “Thách thức biến đổi khí hậu vẫn kéo dài”, PGS TS Lê Anh Tuấn, Cố vấn Viện biến đổi khí hậu Đồng bằng sông Cửu Long, đánh giá.

Theo ông Tuấn, giải các bài toán này bằng liên kết thì TP HCM và miền Tây cần nghiên cứu cách thức hợp tác thêm ở 4 lĩnh vực: con người, tài nguyên, ngân sách và dữ liệu. “Một trong những giới hạn là thiếu chính sách thúc đẩy như liên kết con người ở đồng bằng với các chuyên gia TP HCM. Người trẻ đồng bằng vẫn đổ đi TP HCM nhiều hơn chiều ngược lại”, ông nói.

Trong khi đó, nước, đất, sinh vật, là tài nguyên chung chưa được sử dụng tốt, thậm chí có nơi suy giảm, thu hẹp và ô nhiễm. Ngoài ra, còn một số rào cản như chính sách chưa cho phép dùng ngân sách tỉnh này đầu tư ở tỉnh khác để phục vụ liên kết. Việc chưa có một trung tâm dữ liệu cho vùng, gây khó khăn cho việc trao đổi thông tin và hoạch định chính sách.

Theo Viễn Thông/Vnexpress.net

Có thể bạn quan tâm

Ông Trần Quí Thanh nộp hơn 183 tỉ đồng dù phủ nhận cáo buộc chiếm đoạt tài sản

Sau 7 tháng bị bắt tạm giam, cha con ông Trần Quí Thanh đã nộp …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *