Nhiều người dân mua đất tại dự án khu dân cư nhà ở công nhân và chuyên gia Hồng Đạt xã Đức Lập Hạ tại Long An (tên thương mại Khu dân cư Bella Vista) bức xúc, khiếu nại vì gần chục năm vẫn chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dù đã thanh toán 95%.
Bán đất trên giấy, “bảo kê” xây nhà
Dự án Khu dân cư Bella Vista do Công ty cổ phần Hồng Đạt – Long An (Công ty Hồng Đạt) là chủ đầu tư và Công ty Cổ phần Tập đoàn Trần Anh Long An (Trần Anh Group) là đơn vị phát triển phân phối dự án.
Vào ngày 25/11/2016, UBND tỉnh Long An ban hành quyết định chủ trương đầu tư cho dự án Khu dân cư Bella Vista Long An theo quyết định số 4936/QĐ-UBND. Quyết định này chấp thuận Công ty Cổ phần Hồng Đạt – Long An là nhà đầu tư để thực hiện dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư có diện tích khoảng 70 ha tại xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An với tổng vốn đầu tư 295 tỷ đồng, thời gian 50 năm kể từ ngày được UBND tỉnh phê duyệt dự án (tức dự án sẽ có thời hạn đến 2066).
Tuy nhiên, dự án đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với nhiều khách hàng trước khi có chủ trương đầu tư. Chẳng hạn, vào ngày 1/6/2016, ông Trần Đức Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Trần Anh Long An, đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất số C01-27/HDCN-2016 cho khách hàng với dự án Khu đô thị Bella Vista tại xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Hay trường hợp của bà Nguyễn Thị Sử (72 tuổi) đã mua lô đất 100 m2 với giá hơn 400 triệu đồng (thanh toán 95% giá trị đất cho chủ đầu tư) vào năm 2016 tại dự án khu dân cư Bella Vista.
Bà Sử cho biết đây là số tiền bà tích góp từ nhiều năm làm việc vất vả để mua miếng đất để xây nhà ở, dưỡng già nhưng đến nay đã gần chục năm vẫn chưa nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
“Giờ đây ở tuổi gần đất xa trời tôi vẫn chưa có được nơi an cư cho tuổi già. Ở cái tuổi 72, đang mang trong mình căn bệnh ung thư vàm họng nhưng vẫn phải vác đơn cầu cứu khắp nơi từ Sở Xây dựng đến Sở TN-MT, UBND tỉnh Long An… Còn chủ đầu tư lần nào cũng hứa hẹn từ năm này qua năm khác đến nay đã gần chục năm”, bà Sử chia sẻ.
Còn chị Vũ Khánh Ly (30 tuổi, Bình Tân, TP.HCM) chia sẻ, chị mua sang tay dự án với giá hơn 700 triệu đồng với hi vọng xây nhà định cư cho các con nhỏ và ba mẹ già. Để mua được miếng đất trên, chị Ly đã gom góp tiền tiết kiệm thậm chí cả việc vay mượn, nhưng đến nay vẫn chưa có sổ.
“Chủ đầu tư nói bảo lãnh cho khách hàng được xây nhà ở tự do nhưng không xin giấy phép xây dựng vì khu đất chưa có sổ đỏ. Mặc dù tại đây, nhiều ngôi nhà mọc lên nhưng chúng tôi biết đó là xây dựng trái phép và chủ đầu tư chỉ “bảo lãnh bằng miệng” nên chúng tôi không dám xây”, chị Ly nói.
Trong tình cảnh tương tự, ông Đặng Văn Trí (Long An) đặt vấn đề: “Chủ đầu tư đã thực hiện một dự án “ma” 70 ha tại Khu công nghiệp Hồng Đạt – Long An để lừa người dân? Với việc thu tiền trước 95% của hàng ngàn lô đất nền, giá trung bình mỗi lô đất là 400 triệu đồng, công ty Trần Anh đã chiếm dụng hàng ngàn tỷ đồng của khách hàng trong gần một thập kỷ qua”.
Trong khi người mua đất thì đối mặt với những khó khăn về tài chính, có người thậm chí không còn đủ khả năng trả nợ ngân hàng, nhưng vẫn không biết khi nào sẽ nhận được sổ đỏ để xây nhà hoặc tiến hành giao dịch thu hồi vốn.
Theo ông Võ Minh Thành, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Long An, Công ty Cổ phần Hồng Đạt – Long An đã thực hiện chuyển nhượng 2.500/3.038 lô đất nền cho khách hàng dưới hình thức ký hợp đồng nguyên tắc, mà chưa hoàn thành thủ tục chuyển nhượng đầy đủ đối với mục đích sử dụng đất và nghĩa vụ tài chính.
Biến đất KCN thành đất ở?
Nguồn cơn của những vướng mắc pháp lý và loạt sai phạm của chủ đầu tư và tỉnh Long An tại khu dân cư Bella Vista là bán đất khu công nghiệp (KCN) làm đất ở khi chưa có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất.
Theo đó, Công ty Hồng Đạt là một trong 13 chủ đầu tư hạ tầng tại cụm Khu công nghiệp Đức Hòa III. Diện tích mà Công ty Hồng Đạt đảm nhiệm là hơn 99 ha, trong đó có hơn 70 ha có khả năng cho thuê. Tuy nhiên sau đó, Công ty Hồng Đạt bán cổ phần cho Trần Anh Group. Đặc biệt, bà Lê Thị Gấm, Tổng Giám đốc Công ty Hồng Đạt là vợ của ông Trần Đức Vinh, Tổng Giám đốc Trần Anh Group.
Vào năm 2015, Công ty Hồng Đạt đã gửi đơn xin chuyển đổi mục tiêu đầu tư từ KCN Đức Hòa III – Hồng Đạt thành khu dân cư và nhà ở chuyên gia Hồng Đạt. Cụ thể, yêu cầu giảm diện tích đất của KCN xuống còn 30 ha và tăng phần đất dành cho khu dân cư lên 69,4 ha.
Năm 2016, mặc dù việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất chưa được phê duyệt, Công ty Hồng Đạt và Trần Anh Group đã tiến hành bán đất tại dự án có tên là Bella Vista, với diện tích là 70 ha.
Đến ngày 12/9/2018, Công ty Hồng Đạt mới có đơn xin chuyển mục đích với diện tích 580.715,34 m2 từ đất KCN sang đất ở, đất thương mại, dịch vụ để đầu tư khu dân cư (đã trừ đất y tế, đất giáo dục theo quy hoạch được phê duyệt với diện tích 39.871,66 m2). Tức 2 năm sau khi bán đất cho khách hàng, Công ty Hồng Đạt mới xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Theo ông Võ Minh Thành, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Long An với hàng loạt sai phạm của công ty Hồng Đạt, UBND tỉnh Long An đã thanh tra toàn diện liên quan đến việc chuyển mục đích sử dụng đất tại KCN Đức Hoà III – Hồng Đạt.
Theo kết luận thanh tra, Công ty Hồng Đạt đã không hoàn thành các thủ tục và chưa thực hiện các nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai theo quy định. Bên cạnh đó, chủ đầu tư đã tiến hành thi công hạ tầng mà chưa được cấp phép, và kinh doanh bất động sản mà các tài sản bất động sản đó không đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định.
Công ty Hồng Đạt đã bị xử phạt vi phạm hành chính 330 triệu đồng và tạm đình hoạt động của công ty trong vòng 12 tháng.
Kết luận Thanh tra cũng chỉ rõ sai phạm và trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong quá trình phê duyệt hồ sơ và cấp phép cho việc triển khai dự án trong đó có trách nhiệm của Sở Kế hoach đầu tư tỉnh Long An, Sở Xây dựng và Sở TN-MT và cả UBND tỉnh Long An.
Ngoài ra, theo ông Võ Minh Thành, ngày 10/12/2020, UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt đơn giá đất để Công ty Hồng Đạt thực hiện nghĩa vụ tài chính. Tuy nhiên đến nay công ty vẫn chưa thực hiện.
Phía công ty Trần Anh cho rằng UBND tỉnh Long An thuê đơn vị thẩm định giá để thực hiện xác định giá tiền sử dụng đất, trả ra kết quả quá cao so với mức giá chủ đầu tư đã chuyển nhượng cho khách hàng. Do đó chủ đầu tư xin tiếp cận nguồn cơ sở dữ liệu đầu vào của đơn vị thẩm định giá do UBND tỉnh thuê để thẩm định lại.
Tuy nhiên theo quyết định thanh tra hoàn toàn không có vướng mắc trong việc xác định giá tiền sử dụng đất. Vì đối với việc nộp tiền sử dụng đất này, ngày 20/12/2019, Công ty Cổ phần Hồng Đạt – Long An có Văn bản gửi Sở TN-MT, cam kết tự nguyện nộp toàn bộ số tiền sử dụng đất đối với diện tích 580.715,34 m và cam kết không yêu cầu khấu trừ hay hoàn trả số tiền dư theo quy định (nếu có).
Theo luật sư Nguyễn Phước Vẹn (Đoàn Luật sư TP.HCM), chủ đầu tư đã chuyển nhượng đất tại dự án trước khi có giấy phép và đơn giá đất là sai và chủ đầu tư không có cơ sở yêu cầu thẩm định lại giá từ cơ quan chức năng.
Có dấu hiệu lừa đảo?
Theo Luật sư Nguyễn Phước Vẹn, việc phát triển và tiến hành giao dịch bất động sản phải tuân theo các quy định và quy trình của pháp luật để đảm bảo tính hợp pháp.
Ví dụ, theo Luật Đất đai năm 2013, việc “chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền” cần phải đáp ứng một loạt điều kiện như có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoàn thành các nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai, bao gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai.
Ngoài ra, chủ đầu tư cần hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, hệ thống thoát nước…) và hạ tầng xã hội (như trường học, chợ) theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt. Sau khi đáp ứng tất cả các điều kiện này, cơ quan chức năng sẽ ban hành văn bản cho phép chủ đầu tư tiến hành chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền.
Như vậy, ở thời điểm này chủ đầu tư đã “vẽ dự án trên giấy” và chuyển nhượng cho hàng ngàn khách hàng.
Nếu tại thời điểm chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà chưa có các văn bản chủ trương đầu tư xác nhận có sự tồn tại, xuất hiện của dự án nhà ở (nói ngắn gọn là dự án chưa được cấp phép), nhưng tổ chức, cá nhân tự vẽ ra dự án, tự đặt tên cho dự án nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác thuộc một trong các trường hợp tại Điều 174 Bộ Luật Hình sự năm 2015 đã thì có dấu hiệu của hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Ngoài ra, những loại hợp đồng mà chủ đầu tư ký kết với khách hàng là hợp đồng nguyên tắc quyền chuyển nhượng sử dụng đất và hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đều ẩn chứa nhiều rủi ro cho khách hàng.
Theo Luật sư Phước Vẹn, nếu dự án chưa đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền nhưng chủ đầu tư lại chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có thể bị tuyên vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, được quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 117, Điều 122 Bộ Luật Dân sự năm 2015 (nếu một trong các bên khởi kiện tại tòa án).
Căn cứ Điều 131 Bộ Luật dân sự năm 2015 thì khi hợp đồng bị vô hiệu, các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận (ví dụ chủ đầu tư đã nhận tiền thì trả lại tiền, người dân nhận nền đất thì trả lại đất…), bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường và điều này thì gây rất nhiều thiệt hại và rủi ro cho nhà đầu tư.