Sau khi ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng ngay tại văn phòng công chứng, người mua thanh toán toàn bộ tiền nhà cho người bán và tin chắc rằng: “Chỉ cần chuyển hồ sơ đến văn phòng đăng ký đất đai và đợi sổ đỏ”. Thế nhưng, sự việc xảy ra không như mong đợi.
Một người phụ nữ tên N.V.L đến từ Hà Nội kể lại, trước đó, vợ chồng chị mua căn nhà đất với giá 2,6 tỷ đồng, diện tích 32m2, nhà 3,5 tầng. Sau khi nhờ người bạn kiểm tra quy hoạch, chắc chắn căn nhà đất không nằm trong diện thu hồi, chị N.V.L và chồng an tâm cọc tiền và chờ đợi ngày ra công chứng.
Phía chủ nhà yêu cầu ngay trong ngày công chứng, phía người mua phải thanh toán toàn bộ tiền nhà còn thiếu. Chị N.V.L cũng cho rằng: Sau khi kí công chứng, chắc chắn căn nhà đã thuộc quyền sở hữu của 2 vợ chồng. Chỉ còn khâu cuối cùng, đó là chuyển hồ sơ đến văn phòng đăng ký đất đai và đợi sang tên sổ mới.
Tuy nhiên, sau khi kí chuyển nhượng, hồ sơ chuyển đến Văn phòng đăng ký đất đai. Hơn 1 tuần sau, vợ chồng chị N.V.L tá hoả vì hồ sơ bị trả lại liên quan vấn đề về sổ đỏ, sai lệch diện tích trên sổ.
Trường hợp như gia đình chị N.V.L không phải hiếm gặp. Theo thoả thuận giữa người mua và người bán, ngay trong ngày công chứng, ký chuyển nhượng sang tên, phía bên mua phải thanh toán toàn bộ tiền mua nhà/đất cho bên bán. Người mua cũng thường mặc định rằng: “Phía công chứng thông thường đã kiểm tra hồ sơ pháp lý liên quan đến sổ đỏ, không tranh chấp, không vướng mắc”. Đến khi chuyển hồ sơ đến văn phòng đăng ký đất đai, khi xảy ra vấn đề không thể chuyển nhượng được sổ, người mua mới tá hoả. Bởi lẽ, việc chuyển nhượng sổ có thể cần sự hỗ trợ từ chủ cũ – nhưng chủ cũ đã nhận toàn bộ tiền, liệu họ có sẵn sàng hỗ trợ? Thứ hai, các chi phí phát sinh sau đó, ai là người chịu trách nhiệm?
Theo ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường bất động sản, tình huống “người mua thanh toán toàn bộ khoản tiền ngay ngày ký công chứng nhưng sau đó, bị trả lại hồ sơ làm sổ đỏ” không phải hiếm gặp. Lý do bị trả hồ sơ sổ đỏ bao gồm: sổ đỏ bị sai diện tích, sai hiện trạng tài sản trên sổ, hoặc sau khi ký công chứng, có đơn kiện tranh chấp, chủ nợ còn nợ thuế sử dụng đất.
Ông Lập cho rằng, trong tình huống này, người mua cần phải đưa ra điều khoản trong hợp đồng, để bảo vệ quyền lợi tối đa. Ví dụ như, trong hợp đồng công chứng cần thêm điều khoản: Trường hợp sau khi công chứng mà không thể hoàn tất việc chuyển quyền sở hữu theo quy định của pháp luật, trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày bên mua thông báo cho bên bán thì bên bán phải có nghĩa vụ hoàn trả lại tiền đã thanh toán. Nếu quá thời hạn nêu trên nếu bên bán không hoàn trả xem như bên bán vi phạm hợp đồng và chịu trách nhiệm bồi thường gấp đôi số tiền đã nhận của bên mua. Việc bồi thường phải thực hiện ngay khi có phán quyết của toà sơ thẩm, nếu chậm trễ do bất kể yếu tố nào đều phải chịu bổ sung tiền lãi cho khoản bồi thường 0,05% mỗi ngày.
Ông Lập khuyến nghị thêm: “Nếu đối tác không ký dò xét, người mua cần tìm hiểu kỹ thêm về sản phẩm và đối tác trước mua”.