Lượng mưa cao hơn các năm, địa hình đồi dốc với chủ yếu là đất đỏ bazan và một số địa phương chưa kịp thời rà soát các khu vực tiềm ẩn nguy cơ là 3 nguyên nhân chính gây sạt lở nghiêm trọng tại tỉnh Lâm Đồng.
Ngày 4-8, ông Nguyễn Hà Lộc, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT), cho biết 7 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 10 trận mưa lớn, một trận mưa đá, 6 trận lốc xoáy và 5 vụ sạt lở đất làm 9 người chết, 4 người bị thương.
Thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng xảy ra nhiều vụ sạt lở, nghiêm trọng nhất là tại đèo Bảo Lộc khiến 3 cán bộ CSGT hy sinh và 1 người dân tử vong.
Ngoài thiệt hại về người, trên 200 căn nhà và gần 300 ha cây trồng bị ảnh hưởng nặng trên nhiều TP, huyện của tỉnh Lâm Đồng. Tổng giá trị thiệt hại trên 18 tỉ đồng.
Thống kê của Sở NN-PTNT, tại Lâm Đồng thì mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11 với lượng mưa trung bình từ 1.750-3.150 mm/năm, cao hơn bình quân chung cả nước. Thế nhưng, 7 tháng đầu năm 2023, lượng mưa tại địa phương đạt 1.219mm. Trong đó, tháng 6 đạt 349 mm, tăng 54% và tháng 7 là 442 mm, tăng 36% so với cùng kì năm 2022.
“Trong hai tháng này, lượng mưa ở TP Đà Lạt và TP Bảo Lộc rất cao, đạt từ 100-190mm đã làm nền đất bị yếu và gây sạt lở” – ông Lộc nói. Mưa nhiều bất ngờ thời gian qua là nguyên nhân thứ nhất của tình trạng ngập úng, sạt lở tại Lâm Đồng.
Nguyên nhân thứ 2 được cho là do diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh này khoảng trên 900.000 ha, nhưng địa hình chủ yếu là đồi núi, có độ cao từ 200 m – 1.500 m so với mực nước biển. Các nhóm đất chủ yếu tại địa phương là đất đỏ bazan, đất phù sa… có độ dốc cao trên 25 độ chiếm đến 50%. Do kết cấu đất yếu nên khi xảy ra mưa lớn kéo dài, nguy cơ sạt lở đất ở Lâm Đồng là rất cao.
Mưa lớn kéo dài và lượng mưa cao bất thường trong tháng 6 và 7 là một trong ba nguyên nhân gây ngập úng, sạt lở ở Lâm Đồng.
Nguyên nhân thứ 3 được xác định do thời gian qua, một số địa phương chưa kịp thời rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, nhất là khu vực đồi dốc, khu vực có ta luy âm/dương cao. Do vậy, chưa chủ động trong cảnh báo, sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Toàn tỉnh hiện có 163 vị trí bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở đất. Hiện đã di dời được 94 hộ dân, còn 150 hộ cần tiếp tục di dời khi tình hình mưa lớn lại diễn ra.
Về vấn đề ứng phó thiên tai, ông Ngô Văn Ninh, Chánh Văn phòng – người phát ngôn UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết các huyện và thành phố đã thành lập các tổ, đội nhằm tăng cường công tác kiểm tra, nắm bắt thông tin về ngập lụt, sạt lở. Đặc biệt tăng cường tuần tra, nắm bắt thông tin về sạt lở ở các vị trí đồi núi, đèo, dốc để nhanh chóng đưa ra các phương án ứng phó, xử lý.
Toàn tỉnh Lâm Đồng có 163 vị trí nguy cơ sạt lở.
Về tình hình ngập úng, tỉnh Lâm Đồng có 73 vị trí có nguy cơ bị ngập khi xảy ra mưa lớn, 16 hộ cần di dời khi xảy ra mưa lớn. Tuy nhiên, các vị trí nhà ở có nguy cơ ngập sâu (trên 1 m) không nhiều, các địa phương sẵn sàng phương án di dời khi có mưa lớn.
Riêng về tình trạng sụt lún, nứt đất gần dự án hồ chứa nước Đông Thanh gây ảnh hưởng đến đất nông nghiệp và 9 hộ dân, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đã cùng lãnh đạo các sở – ngành liên quan đi kiểm tra để chỉ đạo khẩn trương khắc phục sự cố này.
3 vụ sạt lở nghiêm trọng ở Lâm Đồng
Ngày 17-6: Tại dự án nâng cấp mở rộng đèo Prenn (TP Đà Lạt) xảy ra sạt lở làm 2 công nhân tử vong; sạt lở taluy tại TP Bảo Lộc làm 1 người tử vong, 1 người bị thương.
Ngày 29-6: Xảy ra 13 điểm sạt lở đất trên địa bàn TP Đà Lạt, trong đó nghiêm trọng nhất là tại công trình taluy hẻm 15/2 Yên Thế xuống hẻm 36 Hoàng Hoa Thám làm 2 người thiệt mạng, 3 người bị thương, 2 nhà kiên cố bị sập.
Ngày 30-7: Sạt lở tại vườn sầu riêng trên đèo Bảo Lộc làm sập chốt trực CSGT trên đèo Bảo Lộc làm 3 cán bộ CSGT hy sinh và 1 người dân tử vong.