Khái quát về thị trường bất động sản, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: “Có thể thấy giai đoạn 10 năm trước, tình hình kinh tế nói chung cũng như bất động sản nói riêng rất bi đát, rất khó khăn. Khi đó, Thủ tướng cũng đưa ra 1 loạt biện pháp, trong đó tập trung vào tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản thông qua gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng sau Nghị quyết 02, tập trung hỗ trợ cho phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ và nhà ở xã hội. Nhờ đó, sau Nghị quyết 02, gần như thị trường được tháo gỡ vướng mắc. Thị trường bất động sản hiện nay cũng tương tự như giai đoạn trước vì tắc nghẽn nguồn vốn, nhưng chúng ta lại chưa đào sâu vào những khó khăn”.
Theo ông Võ, hiện nay thị trường bất động sản không chỉ trầm lắng, không có giao dịch mà còn có những khó khăn hơn thị trường 10 năm trước đây. Trong đó, gốc rễ của khó khăn hiện tại một phần do tắc nghẽn nguồn vốn. Bởi vốn tín dụng không được khơi thông, lãi suất cho vay cao, room tín dụng không nới lỏng, cổ phiếu, trái phiếu làm mất niềm tin của khách hàng.
Chia sẻ về vấn đề này TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế phân tích, các nhà đầu tư không nhìn thấy nhiều sự khác biệt của giai đoạn hiện nay và một thập kỷ trước, thị trường “kẹt” thì sẽ lại tăng. Nhưng sự khác biệt quan trọng nhất của hai giai đoạn chính là giá cả. Đơn cử vào năm 2012, khi bất động sản đóng băng thì giá đất nền sổ đỏ quận 9 chỉ khoảng 8 – 10 triệu đồng/m2.
Đến nay, sau ba năm liên tục sốt nóng, giá bất động sản đã bị đẩy lên mức quá cao. Nếu như từ năm 2019, thị trường bất động sản chững lại hoặc đi ngang thì sẽ có tích lũy để tiếp tục tăng trưởng. Thế nhưng giai đoạn 2020 – 2021, giá bất động sản lại tiếp tục tăng trong bối cảnh kinh tế suy thoái.
“Đến nay những người đã ôm đất để đầu tư, đầu cơ có thể nói đều đã chùn tay. Người ta chỉ mong thị trường tan băng, có người mua người bán để thoát được hàng là mừng, chứ không mong nhảy vào bắt đáy như giai đoạn 2012 – 2013.
Muốn thị trường bất động sản tan băng thì phải xuất hiện một số cơ hội. Thứ nhất là dòng tiền xuất hiện, thứ hai là mặt bằng giá đã giảm xuống một mức nào đó đủ để người mua tin tưởng và chấp nhận. Còn nếu ai cũng muốn giữ giá cao chờ đợi cơ hội thì từ nay đến cuối năm, thị trường sẽ khó có chuyển biến”, ông Hiển cho biết.
Ông Hiển cho rằng, trong trường hợp, nếu năm tới bối cảnh kinh tế thế giới có sự phục hồi, xuất khẩu ổn định và kinh tế trong nước thuận lợi hơn,… kịch bản thị trường bất động sản tan băng là khá rõ nhưng sẽ tập trung ở khu vực dân cư đô thị, vùng có thể đầu tư khai thác được. Lúc này, mặt bằng giá sẽ giảm hoặc đi ngang, sẽ không có chuyện tăng.
“Năm 2024, dòng tiền đầu tư bất động sản sẽ rõ ràng hơn, tức là người ta sẽ xuống tiền mua bán ở những nơi đã thấy rõ tiềm năng và có thể khai thác được chứ không mua bán ồ ạt từ thành thị đến thôn quê hẻo lánh như trước đây. Các nhà đầu cơ hiện nay không còn niềm tin mua đất sau đó ăn bằng lần như 5 – 7 năm trước, do đó họ sẽ không mạo hiểm để xuống tiền”, chuyên gia nhận định.