Sự phục hồi của Trung Quốc hậu Covid-19 từng được cho là sẽ rung chuyển thế giới. Nhưng The Economist nhận định đà phục hồi của nước này đang lung lay.
Theo The Economist, các dữ liệu kinh tế tháng 4 của Trung Quốc không đạt kỳ vọng. Theo sau đó là thị trường chứng khoán chững lại, lợi suất trái phiếu chính phủ lao dốc và đồng nội tệ đi xuống.
Tỷ giá hối đoái theo trọng số thương mại – đo lường sức mạnh của một loại tiền tệ theo khối lượng giao dịch với những nước khác – thậm chí còn thấp hơn hồi tháng 11, thời điểm các thành phố nước này vẫn bị phong tỏa.
Đà phục hồi chững lại
Ngày cuối cùng của tháng 5, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã công bố các chỉ số quản lý thu mua (PMI). Theo đó, các hoạt động trong khu vực dịch vụ đã giảm tốc tăng trưởng trong tháng 4, còn hoạt động sản xuất ghi nhận tháng giảm thứ 2 liên tiếp.
Còn chỉ số đo lường hoạt động sản xuất của Caixin khả quan hơn, có thể do tỷ trọng của ngành công nghiệp nặng nước này – vốn ít hưởng lợi từ sự phục hồi trong tiêu dùng – thấp hơn.
Nhưng cả hai bộ PMI đều cho biết giá cả đầu vào lẫn đầu ra trong sản xuất đã giảm. Một số nhà kinh tế cho rằng so với cùng kỳ năm ngoái, giá đầu ra có thể sụt giảm hơn 4% trong tháng 5. Giá lao dốc sẽ gây tổn hại đến lợi nhuận, từ đó cản trở đầu tư sản xuất. Điều này cũng làm dấy lên lo ngại về vòng xoáy giảm phát.
“Do đó, nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ suy thoái kép ngày càng tăng”, chuyên gia Ting Lu của ngân hàng Nomura bình luận.
Sau khi tăng đột biến trong quý I, hoạt động tín dụng và các khoản vay mới cũng đã suy yếu trong tháng 4 do người tiêu dùng và doanh nghiệp hạn chế vay mượn.
Thay vì vay nợ nhiều hơn, các hộ gia đình đang tăng tiết kiệm và thậm chí trả nợ trước hạn khoản vay mua nhà. Trong khi đó, các doanh nghiệp đối mặt với tình trạng nhu cầu sụt giảm kéo tụt lợi nhuận.
So với quý này, tăng trưởng của quý tiếp theo có thể giảm xuống sát mức 0, ngay cả khi tăng trưởng so với một năm trước đó vẫn ở mức đáng kể.
Bắc Kinh sẽ làm gì?
Bức tranh của Trung Quốc trái ngược hoàn toàn với phần còn lại của thế giới. Các nền kinh tế lớn đang chao đảo vì lạm phát dai dẳng, buộc nhiều ngân hàng trung ương phải đánh đổi tăng trưởng kinh tế để bình ổn giá cả.
Nhưng trái với tình thế tiến thoái lưỡng nan của các ngân hàng trung ương lớn khác, hai vấn đề của Trung Quốc là tăng trưởng chững lại và lạm phát giảm đều có chung một lời giải.
Đó là hướng tới nới lỏng các chính sách tiền tệ và tài khóa. Nhưng trên thực tế, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) dường như không quá quan tâm đến giảm phát.
Ngay cả khi không tung ra các gói kích thích kinh tế, Bắc Kinh vẫn có thể sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng 5%, đơn giản vì nền kinh tế năm ngoái quá yếu ớt.
Nhưng theo ông Robin Xing tại ngân hàng Morgan Stanley, hồi năm 2015 và 2019, giới chức Bắc Kinh đã nhanh chóng vào cuộc sau khi PMI trong lĩnh vực sản xuất rơi xuống dưới ngưỡng 50 trong vài tháng.
Ông tin rằng PBoC sẽ cắt giảm dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng trong tháng 7 hoặc sớm hơn. Theo ông, những ngân hàng chính sách của Trung Quốc cũng đẩy mạnh cấp tín dụng cho đầu tư cơ sở hạ tầng.
Mới đây, theo nguồn tin của Bloomberg, chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu các ngân hàng lớn nhất đất nước hạ lãi suất huy động ít nhất là lần thứ 2 trong vòng chưa đầy một năm. Động thái này nhằm thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế thứ hai thế giới.
Với việc hạ lãi suất huy động, chi phí của ngân hàng sẽ giảm đi. Điều này có thể cho phép họ cắt giảm lãi suất cho vay trong một thời gian.
Động thái này sẽ thúc đẩy người tiêu dùng và doanh nghiệp vay vốn. Thêm vào đó, lãi suất huy động giảm đi cũng khiến người tiêu dùng không còn muốn gửi tiết kiệm tại ngân hàng.
Theo Zing