Thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng từ giữa năm ngoái là kéo dài tới nay. Theo đó, nhiều môi giới trải qua thời gian dài không có giao dịch, thậm chí phải chuyển sang công việc khác. Tuy nhiên, những người dù có giao dịch thành công cũng “chật vật” để đi đòi tiền hoa hồng.
Anh Đỗ Tuấn Hà, môi giới của một sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội cho biết, từ giữa năm ngoái thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng, theo đó giao dịch thành công của anh cũng ít dần, thậm chí có thời gian 2 tháng không có giao dịch. Vẫn quyết tâm bám trụ với nghề, cuối năm 2022 anh Hà chốt thành công căn biệt thự tại Hoàng Mai với mức giá 37 tỷ đồng.
“Thị trường khó bán nhưng tôi vẫn cố tìm mọi cách để kiếm khách như chạy quảng cáo, liên hệ khách cũ, chia sẻ tiền hoa hồng để người khác giới thiệu…Căn biệt thự đó để bán được tôi kết hợp với môi giới khác và chốt ăn chia mỗi người 50%. Do tình hình thị trường khó khăn nên sàn hứa sẽ lùi thời gian trả hoa hồng trong vòng 2 tháng kể từ ngày giao dịch thành công”, anh Hà nói.
Từ thời điểm giao dịch thành công tới nay đã hơn nửa năm, anh Hà cũng đã chuyển sang sàn khác làm việc, tuy nhiên vẫn chưa được thanh toán tiền hoa hồng dù nhiều lần liên hệ để đòi.
“Cả tới gặp và liên hệ để đòi tiền hoa hồng hơn 10 lần nhưng tôi vẫn chỉ nhận được những lời hứa sẽ trả và rồi lại thất hứa như những lần trước đó. Lần gần nhất là ngày 12/5 tôi tới tận công ty để trao đổi nhưng chỉ nhận được lời giải thích hiện tình hình công ty khó khăn nên sẽ trả vào khi ổn định lại. Trong khi đó, người đã kết hợp bán căn biệt thự này vẫn liên tục đòi tiền hoa hồng từ tôi”, anh Hà phân trần.
May mắn hơn anh Hà, anh Nguyễn Văn Khải, môi giới bất động sản tại Bắc Giang cho biết, từ năm ngoái tới nay anh vẫn phải đi đòi 200 triệu đồng tiền hoa hồng môi giới bất động sản.
“Năm ngoái, tôi có khoảng 8 giao dịch đất nền thành công, tiền hoa hồng tổng cộng là 300 triệu đồng. Tuy nhiên, từ đó tới nay sàn môi giới cũ tôi từng làm việc mới chỉ trả được 100 triệu đồng. Còn 200 triệu đồng đến nay tôi vẫn liên tục phải tới tận nơi đòi. Cuối cùng, tôi nhận được chỉ là hứa thật nhiều thất hứa thì cũng thật nhiều. Họ vẫn chỉ đưa ra lý do thị trường khó khăn nên chủ đầu tư chưa trả tiền”, anh Khải nói
Thực tế, thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng, khiến các đơn vị phân phối cũng rơi vào tình trạng khó khăn, thậm chí dẫn tới phải đóng cửa. Đồng thời không ít môi giới bất động sản trong thời gian qua cũng phải bỏ việc, tìm công việc mới.
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), các doanh nghiệp kinh doanh môi giới chứng kiến làn sóng sa thải nhân viên nhiều nhất từ trước tới giờ với hàng nghìn nhân sự, trong đó nhiều nhất thuộc bộ phận kinh doanh. Các doanh nghiệp môi giới hoặc chủ đầu tư có bố trí bộ phận môi giới bán hàng có tỷ trọng sa thải 50% nhân sự trở lên dưới nhiều hình thức như dừng ký hợp đồng tạm thời trong 3-6 tháng, cho thôi việc, giữ chế độ cộng tác viên…
Tình trạng sa thải nhân sự không chỉ riêng với các doanh nghiệp đầu ngành, mà thậm chí với các doanh nghiệp trong ngành còn mạnh mẽ hơn. Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp quy mô dưới 50 nhân viên thậm chí còn chấm dứt hợp đồng với 70% người lao động do không còn nguồn lực cầm cự. Trong khi đó, các chủ đầu tư có bộ máy tinh gọn hơn (chỉ nuôi đội ngũ phát triển dự án) ghi nhận tỷ lệ cắt giảm 20-25% nhân sự cùng với giảm lương theo cấp bậc.
Dữ liệu của VARS cho thấy, ước lượng số môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30-40% so với giai đoạn đầu năm 2022. Đây là giai đoạn thách thức đối với những đơn vị môi giới không đủ năng lực cạnh tranh để tồn tại nhưng cũng là cơ hội để các đơn vị chuyên nghiệp vượt lên và phát triển bền vững hơn.
Ông Nguyễn Hoàng Nam, Tổng giám đốc G-Homes đánh giá, nếu khó khăn của chủ đầu tư là 8 – 9 thì với người môi giới là tương đương, thậm chí cao hơn khi thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào hoa hồng sản phẩm. Nhưng chủ đầu tư không bán được hàng nên không thể thanh toán. Việc không có nguồn thu kéo dài, trong khi các chi phí vẫn phải chi trả đều đặn nên phải ngừng hoạt động là dễ hiểu bởi không thể chịu đựng mãi.